Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường dịp Tết Nguyên đán: Hàng hóa dồi dào, sức mua tăng nhẹ

Hương Ly| 15/02/2013 06:34

(HNM) - Chiều 14-2, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.

* Nhiều tỉnh, TP phụ thu thêm 20%-60% giá vé xe khách
(HNM) - Chiều 14-2, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.

Báo cáo cho thấy, nguồn cung hàng hóa trên thị trường trong 5 ngày Tết Nguyên đán dồi dào về số lượng, đa dạng về chủng loại, đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm tết của nhân dân. Giá cả thị trường trong cả nước cơ bản ổn định, tăng nhẹ vào những ngày 28, 29 và mùng 3, 4 tết theo quy luật hằng năm. Sức mua trên thị trường trước tết có tăng nhưng mức tăng không cao do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Sức mua chỉ tăng rõ nét trong thời gian 4-5 ngày trước tết.

Hàng sản xuất trong nước tiếp tục chiếm lĩnh được thị trường, chinh phục niềm tin của người tiêu dùng bằng chất lượng và mẫu mã, kiểu dáng bao bì, trong khi đó hàng hóa nhập khẩu phục vụ tết giảm mạnh. Tại hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, giá cả hàng hóa ổn định, là đối trọng giữ giá hàng hóa tại chợ truyền thống không tăng. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình bình ổn giá được triển khai ở nhiều địa phương, các DN tham gia chương trình đã mở thêm điểm bán hàng đến các khu dân cư, các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa và mở cửa bán hàng từ ngày mùng 2 tết, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sau tết.

Tại hai thị trường trọng điểm là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giá cả tương đối ổn định do nguồn hàng dồi dào. Dù giá một số loại thực phẩm phục vụ tết như thịt bò, thủy hải sản… có tăng nhẹ theo quy luật hằng năm, song do nguồn cung ổn định nên không xảy ra khan hàng, sốt giá.

Đối với giá cước vận tải hành khách bằng phương tiện ô tô, tại nhiều tỉnh, thành phố thực hiện phụ thu thêm 20%-60% so với giá vé bán ngày bình thường trước thời kỳ cao điểm của giá vé chiều đông khách để bù cho chiều chạy ngược lại ít khách, giá giữ nguyên. Ngành đường sắt cũng áp dụng chính sách tăng giá chiều đông khách trung bình 2-5% (mác tàu chẵn) và giảm giá chiều vắng khách 10-50% (mác tàu lẻ). Các DN vận chuyển hàng không tăng tối đa các chuyến bay, giữ ổn định giá vé theo mức giá do DN đã kê khai trong phạm vi trần Nhà nước quy định đối với chiều đông khách, giảm giá đến 50% đối với chiều vắng khách.

Việc giữ ổn định giá thị trường trong dịp tết là do các bộ, ngành địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm cung cầu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, các chương trình bình ổn giá do các địa phương triển khai đã được thực hiện khá hiệu quả. Tính đến thời điểm hiện nay, có 45 tỉnh, thành phố quyết định hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho các DN chủ lực trên địa bàn dự trữ hàng hóa bình ổn giá trong dịp tết với tổng kinh phí 1.332,0 tỷ đồng, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, thủy hải sản, đường, rau củ, thực phẩm chế biến. Tại Hà Nội, UBND TP đã tạm ứng cho các DN 376 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 7-2012 đến tháng 4-2013 nhằm phục vụ công tác bình ổn giá, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường dịp Tết Nguyên đán: Hàng hóa dồi dào, sức mua tăng nhẹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.