Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi lo xuất khẩu gạo

Thanh Mai| 16/02/2013 06:58

(HNM) - Từ cuối năm 2012, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã dự báo, năm 2013  tình hình thị trường gạo thế giới, nhất là trong khu vực Châu Á - nơi sản xuất và tiêu thụ gạo nhiều nhất thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu giảm.

Bên cạnh đó là những biến động và rủi ro phát sinh từ nhu cầu giải quyết tồn kho ở các nước xuất khẩu lớn cùng sự cạnh tranh giữa các nguồn cung. Nhiều doanh nghiệp (DN) càng khó khăn hơn với quy định cho phép 100 đầu mối được phép xuất khẩu gạo, dẫn đến tình trạng giá lúa đang hạ nhưng vẫn khó tiêu thụ.

Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Trọng Hải

Tại giao ban về sản xuất kinh doanh mới đây của Bộ Công thương, lãnh đạo Sở Công thương An Giang cho biết, tỉnh này đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện Nghị định 109 về điều kiện xuất khẩu gạo, nhất là với chỉ tiêu chỉ có 100 đầu mối. Vì vậy, An Giang đang có 3 DN địa phương và 4 DN đóng trên địa bàn không thể xuất khẩu trực tiếp, phải thông qua ủy thác do giấy phép xuất khẩu gạo một năm đã hết hạn trong khi các hợp đồng xuất khẩu giá cao được ký nhưng chưa thực hiện lên tới 35.400 tấn.

Vấn đề đáng lo ngại hơn cả là vụ đông xuân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sắp thu hoạch; trong đó, chỉ tính lượng lúa hàng hóa vụ này và lúa tồn kho của An Giang đã là một triệu tấn. Với chỉ tiêu tạm trữ một triệu tấn lúa hàng hóa cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, việc tiêu thụ của vựa lúa lớn nhất cả nước này sẽ rất khó khăn. Không chỉ các DN đầu tư 200-300 tỷ đồng cho một dây chuyền sản xuất lúa gạo đáp ứng tiêu chí Nghị định 109, mà nông dân ở đây cũng lo ngại vì lúa đang rớt giá nhanh.

Bộ Công thương cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Xuất nhập khẩu đang phối hợp với các địa phương hoàn thiện quy hoạch thương nhân theo hướng không khống chế về mặt số lượng đầu mối xuất khẩu gạo mà sẽ "siết" theo tiêu chí thành tích xuất khẩu tối thiểu 10 nghìn tấn lúa gạo/ năm/DN. Tuy nhiên, việc hoàn thiện quy hoạch gặp nhiều khó khăn do có nhiều ý kiến cho rằng các quy định cụ thể như vậy sẽ vi phạm cam kết WTO. Dự kiến, sau nghỉ Tết Nguyên đán, Cục tiếp tục thảo luận với các bộ, ngành, địa phương để thống nhất về nội dung và lộ trình thực hiện quy hoạch thương nhân trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm cho các DN đã xây kho, đã đủ điều kiện sẽ được xuất khẩu gạo.


Năm 2013, xuất khẩu gạo Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.

Vụ đông xuân 2013 được dự báo sẽ thu hoạch sớm hơn 1 tháng so với các năm. Vì vậy, ngay từ đầu tháng 12-2012, Bộ Công thương đã chủ trì cùng với các bộ, ngành và thành viên tổ điều hành xuất khẩu gạo họp phân tích tình hình tiêu thụ. Theo đó trong tháng 3-2013, có 3,7 triệu tấn gạo cần tiêu thụ. Bộ Công thương cũng có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc trong khi quy chế mới về tạm trữ gạo chưa được thông qua thì DN được dự trữ gạo theo cơ chế cũ. Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm công bố giá, định hướng cho vụ  đông xuân 2013 làm cơ sở cho việc điều hành xuất khẩu gạo. Theo Công văn ngày 28-1-2013 của Bộ Tài chính, mức giá lúa gạo tạm trữ là 3.616 đồng/kg thóc khô.

Cũng trong tháng đầu năm 2013, số hợp đồng xuất khẩu gạo đã tăng thêm 1,3 triệu tấn, cộng với 650 nghìn tấn từ hợp đồng xuất khẩu của năm 2012 chưa giao hàng chuyển sang tiêu thụ cho vụ đông xuân sẽ phần nào giảm áp lực về số lượng và giá trị xuất khẩu gạo của nước ta trong năm 2013.

Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), thương mại toàn cầu năm 2013 sẽ đạt 37,5 triệu tấn gạo do các nước xuất khẩu đẩy mạnh bán ra để giảm tồn kho, chuẩn bị niên vụ mới. Theo đó, giá chào gạo xuất khẩu đã giảm khá mạnh, trung bình khoảng 20 USD/tấn; trong đó giá chào gạo xuất khẩu của Việt Nam loại 5% tấm còn 420-430 USD/tấn, thấp hơn 125 USD/tấn so với gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo xuất khẩu gạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.