Theo dõi Báo Hànộimới trên

ASEAN năm 2013: Thời điểm cất cánh

H.T| 16/02/2013 14:21

(HNMO) - Mới đây, nhóm Nghiên cứu Toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered đã đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế ASEAN trong năm 2013. Theo đó, ASEAN vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển khi bắt kịp với phần còn lại của thế giới.


Ngân hàng Standard Chartered đã tiến hành một nghiên cứu đơn giản về tác động của đô thị hóa đến tăng trưởng kinh tế. Đô thị hóa và phát triển kinh tế có xu hướng thường song hành cùng nhau, dù có một số trường hợp quá trình đô thị hóa không đi kèm với phát triển kinh tế. Ở đây, họ giả định rằng nỗ lực đô thị hóa đã thành công trong việc phát triển nền kinh tế. Họ đã phân chia 10 nền kinh tế trong khối ASEAN ra ba nhóm cấp độ đô thị hóa. Nhóm 3 bao gồm Campuchia, Việt Nam, Myanmar, Thái Lan và Lào; Nhóm 2 bao gồm Philippines và Indonesia; và Nhóm 1 bao gồm Malaysia, Brunei và Singapore.

Nghiên cứu của họ đưa ra hai kết quả chính. Thứ nhất, GDP bình quân đầu người của ASEAN có thể tăng gấp gần ba lần, đạt mức 10.290 USD từ mức 3.509 USD năm 2011 giả sử như quá trình đô thị hóa thành công. Thứ hai, giả sử không có tăng trưởng GDP trong các nước Nhóm 1, tăng trưởng GDP của khu vực có thể đạt mức trung bình 6% trong vòng 8 năm từ 2012 đến 2019, cao hơn mức trung bình 5,3% của các năm từ 2000 đến 2011. Đô thị hóa có thể phát triển với mức chậm hơn so với toàn bộ nền kinh tế, nhưng GDP bình quân đầu người thường tăng lên theo cấp số mũ khi quá trình đô thị hóa tăng lên. Một khu vực ASEAN đậm nét nông thôn vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.

Ngân hàng Standard Chartered cũng dự báo GDP ASEAN (trên cơ sở ngang giá sức mua) sẽ tăng 5,3% trong năm 2013, cao hơn mức 3,6% tăng trưởng toàn cầu theo ước tính của IMF. Họ kỳ vọng Indonesia, Philippines và Malaysia đạt hoặc vượt mức tăng trưởng trung bình trong 10 năm của chính mình. Thậm chí còn kỳ vọng mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2013 của Myanmar, quốc gia đã từng là điểm nóng về thực hiện cải cách cho phép đất nước này tái hòa nhập với thế giới.

Niềm tin này khá khả quan trong bản thân khối ASEAN cũng như đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi khu vực này thu hút 7,6% tổng vốn FDI toàn cầu năm 2011, so với mức 4,3% năm 2006. Từ năm 2000, sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á đến tê liệt, tăng trưởng ASEAN đã vượt qua mức tăng trưởng toàn cầu trung bình 1,5 điểm phần trăm. Liệu khu vực này có thể giữ được đà tăng trưởng này? Không gì chỉ có thể đi theo một đường thẳng. Chu kỳ kinh doanh vẫn luôn tồn tại. Nhưng chắc chắn ASEAN vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển và bắt nhịp với thế giới dù tốc độ tăng trưởng được ghi nhận trong khoảng một thập kỷ gần đây đã vượt qua mức trung bình thế giới. Khu vực này vẫn chưa đến giai đoạn mà các yếu tố tăng trưởng trở nên phức tạp.

Về cơ bản, việc tiếp tục quá trình đô thị hóa sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng “dễ dàng”. Đó là lý thuyết kinh tế của đại đô thị hóa. Đô thị hóa giúp nâng cao cảm nhận hạnh phúc của mỗi cá nhân thông qua cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ và nhà ở, nhờ đó cũng làm tăng năng suất và tiêu dùng. Đô thị hóa cũng giúp tăng hiệu quả khi khoảng cách đã được rút ngắn và nhờ đó giảm chi phí của các doanh nghiệp cũng như giảm chi phí của chính phủ cho cung cấp cơ sở hạ tầng và các nhu yếu. Thay vì bị phân tán, việc làm và cung ứng lao động được tập trung hơn. Lợi ích của sự phát triển này đối với mỗi cá nhân cũng như các doanh nghiệp được thể hiện qua thực tế là tăng trưởng được tập trung ở các thành phố cho dù diện tích của nó có thể tương đối nhỏ so với cả nước.

Ví dụ như Jakarta chiếm khoảng 17% GDP của Indonesia tuy diện tích chỉ chiếm 0,04% và dân số chỉ chiếm 4,2% của cả nước. Đô thị hóa thường được gắn với sự giàu có ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, việc đô thị hóa được lên kế hoạch và thực thi như thế nào có thể ảnh hưởng đến lợi ích thu được từ quá trình này. Những yếu tố như năng suất nông nghiệp cũng đóng vai trò trong việc xác định mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người nhờ quá trình đô thị hóa. Đô thị hóa không đúng cách có thể dẫn đến giảm sút kinh tế. Thực tế, khi nghĩ đến thành phố, người ta lưu tâm ngay đến những vấn đề tiêu cực như tắc nghẽn hay ô nhiễm. Lỗi không phải do đô thị hóa mà đúng hơn là nằm ở cách triển khai. Đô thị hóa thường thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trên thực tế, GDP bình quân đầu người dường như tăng lên theo cấp số mũ khi mức độ đô thị hóa tăng lên. Ngược lại, với mức độ đô thị hóa rất cao, tăng trưởng có thể chỉ ở mức trung bình khi việc người dân chỉ đơn giản di chuyển vào các thành phố không còn đủ để nâng GDP bình quân đầu người. Theo Ngân hàng Thế giới, thế giới đã đạt mốc tỷ lệ đô thị hóa 50% vào năm 2007. Tuy nhiên 6 nước ASEAN vẫn chưa đạt mốc này (tính đến năm 2012): Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Indonesia cũng mới chỉ đạt mức trung bình, 51,4%. Singapore, Malaysia và Brunei đã đô thị hóa với tỷ lệ cao. Khu vực hiện nay vẫn còn một chút rào cản cần vượt qua để duy trì đà tăng trưởng.

Những rào cản thấp cho tăng trưởng cũng có thể thấy rõ trong GDP bình quân đầu người ở các nước ASEAN. Chỉ có 2 nước là Singapore và Brunei vượt mức trung bình 10.000 USD năm 2011 của thế giới (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới). Malaysia gần như đạt mức trung bình, nhưng Thái Lan, nước đứng kế tiếp, lại mới chỉ đạt khoảng một nửa mức toàn cầu. Ở cấp độ phát triển này, chỉ cần những cải thiện đơn giản về yếu tố sản xuất là đủ. Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2012-2013, Campuchia và Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn phát triển kinh tế cơ bản nhất (the factor- driven stage). Myanmar và Lào không được nhắc đến trong báo cáo nhưng cũng có thể đưa vào nhóm này. Brunei và Philippines đang trong giai đoạn chuyển dịch sang nền kinh tế lấy hiệu quả làm động lực (efficiency-driven stage). Thái Lan và Indonesia hiện đã ở trong giai đoạn này.

Tại những giai đoạn phát triển ban đầu, việc lựa chọn công nghệ và cách thực thi, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và cung cấp một khuôn khổ thể chế và trang thiết bị giáo dục và y tế cơ bản sẽ tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng. Trong khối ASEAN, chỉ có Singapore được coi là đã chuyển sang giai đoạn lấy đổi mới làm động lực phát triển kinh tế, trong khi đó, Malaysia mới chỉ đang trong giai đoạn chuyển dịch từ lấy hiệu quả làm động lực sang lấy đổi mới làm động lực. Vì vậy, khu vực này vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ASEAN năm 2013: Thời điểm cất cánh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.