Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về làng rắn nghe chuyện làm giàu

Bài và ảnh: Nguyễn Mai| 17/02/2013 07:12

(HNM) - Người dân làng Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên (Hà Nội) có nghề săn bắt, nuôi và chế biến rắn hàng trăm năm nay. Ngày nay, người làng Lệ Mật không chỉ đi khắp cánh đồng bắt rắn mà họ đã chuyển sang nuôi, chế biến thịt rắn. Nhờ nghề này mà người dân trong làng có cuộc sống sung túc.


Tỷ phú nuôi rắn

Phố làng Lệ Mật hôm nay sầm uất, hai bên đường vào làng san sát nhà cao tầng, cửa hàng sang trọng chuyên phục vụ món thịt rắn. Ở Lệ Mật, rắn là con vật linh thiêng, là cứu tinh của cả làng trong những lúc đời sống khó khăn, vì đã giúp cho biết bao gia đình trở thành tỷ phú.

Chăm sóc rắn ở trại rắn Quốc Phương của gia đình anh Trương Xuân Chiến.


Ở Lệ Mật, gia đình anh Trương Xuân Chiến nuôi nhiều rắn nhất. Hiện trại rắn Quốc Phương của gia đình anh Chiến đang có 700 chuồng nuôi rắn thịt và rắn sinh sản với 1.000 con chủ yếu là các loại rắn hổ mang, rắn ráo và ráo trâu… "Mấy năm nay rắn sinh sản được giá. Năm 2012, giá trứng rắn hổ mang, ráo trâu 200 nghìn đồng/quả. Nếu ấp nở thành công là 500 nghìn đồng/con, đắt gấp 3 lần so với thời điểm cách đây 3 năm. Hiện trang trại đang có 200 rắn sinh sản, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng nghìn con giống. Ngoài nuôi rắn, gia đình còn kết hợp làm du lịch sinh thái gắn với nhà hàng ăn uống ẩm thực" - anh Trương Xuân Chiến cho biết.

Anh Trương Xuân Khải, người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nuôi rắn ở Lệ Mật cho hay, không cần đầu tư nhiều, chuồng trại chỉ cần làm 1 lần có thể sử dụng vài chục năm. Còn về chăm sóc, loài rắn sống rất sạch, phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại nếu không rắn rất dễ bị ghẻ. Nuôi rắn rất nhàn, 3 ngày rắn mới ăn bữa và cả mùa đông rắn không ăn gì. Thức ăn của chúng chủ yếu là cóc, gà, vịt, ngan. Một con rắn nuôi từ lúc ấp trứng đến khi có trọng lượng khoảng 3kg mất 3-4 năm, với giá bán hiện nay, mỗi con rắn xuất chuồng có giá 4-5 triệu đồng.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Việt Hưng Nguyễn Văn Mạnh, do quá trình đô thị hóa, diện tích đất ở của mỗi hộ ở Lệ Mật đang ngày một thu hẹp nên số hộ nuôi rắn cũng giảm. Tuy nhiên, chỉ giảm về số hộ, quy mô nuôi ngày một gia tăng. Hộ nào đã nuôi rắn thường có 100 đến vài trăm chuồng nuôi. Năm 2011, Lệ Mật được công nhận làng nghề và 30 hộ đã được cấp giấy phép. Hiện ở làng đã có hai mô hình chăn nuôi rắn sinh trưởng, sinh sản tập trung với hơn 2ha chuyên nhân giống và phục vụ du lịch sinh thái.

Những kỳ vọng mới

Về Lệ Mật hỏi về tay nghề chế biến rắn, sẽ được người làng chỉ ngay đến nhà ông Nguyễn Đặng Pháo, 74 tuổi. Ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", nhưng giọng nói của ông Pháo vẫn sang sảng. Ông vẫn nhớ tường tận từng tháng, năm, từng tên các vị khách hàng của mình trong hành trình chinh phục loài rắn hơn 50 năm qua.

Ông Nguyễn Đặng Pháo nhớ lại: Người làng này giỏi lắm. Chỉ cần nhìn vào hang trên bờ ruộng là biết đâu là hang rắn, đâu là hang cua, hang chuột. Chúng tôi nằm lòng kinh nghiệm qua câu ca: "Lỗ ếch thì nhẵn hai bên, nhẵn dưới là rắn, nhẵn trên là cầy". Sau khi bắt, rắn được cho vào các lồng, bị cói... đi bán khắp các phố phường Hà Nội.

Sau này, ông Pháo là người giỏi nhất làng trong việc thịt rắn lấy mật, lấy nọc làm thuốc. Với ông Pháo, nọc rắn nói chung là loại tinh dược tuyệt vời nên nó có giá trị chẳng khác nào "vàng trắng", chữa được nhiều căn bệnh nan y và những căn bệnh về xương cốt, về tính dục... "Nhờ biết kỹ thuật lấy nọc rắn mà những năm 1991-1993, tôi đông cô nọc rắn bán xuất khẩu, mỗi chuyến hàng thu về hàng bao tải tiền mua đất, mua nhà rồi gửi ngân hàng" - ông Pháo cho biết.

Nghề bắt, nuôi rắn nối tiếp từ bao đời nay đã trở thành cái nghiệp làm giàu với nhiều thế hệ người dân Lệ Mật. Tuy vậy, người làm nghề cũng phải chấp nhận những nguy hiểm, rủi ro. Đã từng có người phải bỏ mạng vì rắn cắn nên người Lệ Mật vẫn lưu truyền những bài thuốc bí truyền từ các loại lá cây. Bản thân ông Pháo đã 9 lần bị rắn cắn trong đó có 7 lần bị loài rắn độc như cạp nong, cạp nia, 2 lần bị hổ mang cắn nhưng đều qua khỏi. "Chỉ có chủ quan, chứ làng tôi có bài thuốc chữa, tuân thủ đúng thì không bị sao. Đó là các loại lá cây như móc diều, lá bồ giác, lá sàn sàn, ké vàng… giã nát chấm vào. Nhưng cách sử dụng từng loại lá này lại phụ thuộc vào từng vết thương khác nhau" - ông Pháo lý giải.

Năm con rắn Quý Tỵ đã về, với người phương Đông nói chung, người làng Lệ Mật nói riêng càng có ý nghĩa đặc biệt hơn bởi nó mang đến may mắn, thịnh vượng. Chia tay Lệ Mật, các bậc cao niên trong làng thực sự kỳ vọng vào một năm may mắn, trù phú và an lành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về làng rắn nghe chuyện làm giàu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.