Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng thông tin thống kê

Hồng Sơn| 18/02/2013 06:25

(HNM) - Cuộc Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp năm 2012 trên địa bàn thành phố là thông số quan trọng phục vụ kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2015...

- Ông có thể cho biết ý nghĩa và quá trình của cuộc TĐT vừa qua?

- Năm qua, chúng tôi đã thực hiện cuộc TĐT cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp năm 2012 trên địa bàn. Những kết quả của TĐT sẽ giúp cho các cấp chính quyền thành phố Hà Nội có số liệu khá đầy đủ về số lượng cơ sở, lao động, tình hình hoạt động của các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp trên địa bàn để phục vụ yêu cầu về quy hoạch, lập kế hoạch và phương án điều hành phát triển KT-XH một cách phù hợp, toàn diện trong thời gian tới.

Kết quả tổng điều tra sẽ giúp các cấp, các ngành, đơn vị điều hành kinh tế, xã hội thuận lợi hơn. Ảnh: Như Ý


Với số lượng các đơn vị đóng trên địa bàn rất lớn, đối tượng điều tra phức tạp, Hà Nội đã phải huy động gần 5.000 lượt người tham gia gồm điều tra viên, giám sát viên. Bên cạnh đó, Cục Thống kê luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo TĐT Trung ương cũng như được UBND TP Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi và sự ủng hộ của UBND các quận, huyện, xã, phường. Đặc biệt, phải kể đến sự cố gắng nỗ lực của các điều tra viên, giám sát viên, tổ trưởng đã vào cuộc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất qua việc bám sát địa bàn, đơn vị điều tra bên cạnh sự ủng hộ của các đối tượng và đơn vị được điều tra.

Kết quả TĐT cho thấy, Hà Nội hiện có 441,9 nghìn cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tôn giáo với số lao động là 2,995 triệu người, trong đó số lao động nữ là 1,24 triệu người, chiếm 41,4% tổng số lao động. So với kết quả TĐT lần trước (năm 2007), số lượng cơ sở tăng 36,9%, số lượng lao động tăng 55,4% và thể hiện kết quả của quá trình phát triển KT-XH, quá trình đô thị hóa mạnh trong những năm gần đây.

- Ngành thống kê Hà Nội có áp dụng các phương pháp tính toán theo thông lệ quốc tế?

- Ngành thống kê Hà Nội đang áp dụng các phương pháp thu thập, tính toán thống kê theo đúng hướng dẫn của cơ quan cấp trên, hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế; như phương pháp tính tổng sản phẩm trên địa bàn, phương pháp tính chỉ số sản xuất công nghiệp IIP (thay cho giá trị sản xuất công nghiệp trước đây), phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng hiện đại… Hằng năm, Cục thường thực hiện các cuộc điều tra thống kê chuyên ngành theo phương án và phương pháp thống kê chuẩn. Do đó, số liệu thống
kê đã hầu như khắc phục được những điểm bất cập, hạn chế; đáp ứng kịp tiến trình đổi mới và hội nhập kinh tế, nhất là trong việc cung cấp thông tin phục vụ cho quá trình CNH-HĐH đất nước.

- Vậy năm nay, cán bộ, nhân viên của Cục có "bận rộn"?

- Công tác thống kê là để phản ảnh thực tiễn cuộc sống, nhất là hoạt động kinh tế một cách cập nhật, như là "viết sử bằng số" và đương nhiên đòi hỏi tính trung thực, chính xác. Chúng tôi đang triển khai Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn theo Quyết định 1803/QĐ-TTg ngày 18-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Cục sẽ tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thống kê, năng lực triển khai các hoạt động thống kê của hệ thống tổ chức thống kê địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê KT-XH của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật…

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng thông tin thống kê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.