Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm thu ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp

Hương Ly| 19/02/2013 08:12

(HNM) - Giãn, giảm nhiều khoản thuế cho doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư, ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (SXKD) nhằm giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường là những giải pháp sẽ được Chính phủ triển khai trong năm 2013.

Theo đó, dự kiến số thu giảm do điều chỉnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) khoảng 14 nghìn tỷ đồng. Mặc dù ngân sách nhà nước (NSNN) nhiều khả năng sẽ sụt giảm, tuy nhiên sự hỗ trợ kịp thời này sẽ đóng vai trò quan trọng giúp cộng đồng DN vượt qua giai đoạn khó khăn.

Giãn, giảm, miễn thuế sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để đầu tư, phục hồi sản xuất kinh doanh. Ảnh: Đàm Duy

Giãn, giảm nhiều loại thuế, phí

Bản Dự thảo sửa đổi của Luật Thuế TNDN do Bộ Tài chính vừa hoàn thiện (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2014) có nhiều điểm sửa đổi đột phá theo hướng tạo thuận lợi cho DN. Một trong những nội dung quan trọng là mức thuế suất thuế TNDN sẽ giảm từ 25% xuống 23%. DN có quy mô vừa và nhỏ được áp dụng thuế suất 20%. Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi của Bộ Tài chính đề xuất giữ mức thuế suất 10%, chưa thu hẹp nhóm thuế suất 5% đối với các mặt hàng tiêu dùng trong nước; đồng thời bổ sung quy định áp thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam.

Ngay trong những ngày đầu năm 2013, theo đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu. Chính phủ đã quyết định gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế TNDN đối với số thuế phải nộp trong quý I và gia hạn 3 tháng đối với số phải nộp quý II và quý III năm 2013 cho DN có quy mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng); DN sử dụng nhiều lao động (trên 300 lao động) trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến. Đối với thuế GTGT, gia hạn 6 tháng thời hạn nộp với số thuế phải nộp của tháng 1, 2, 3 năm 2013 đối với DN đang nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.

Chính phủ cũng quyết định hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường đã nộp từ ngày 1-1-2012 đến hết ngày 14-11-2012 đối với túi ni lông làm bao bì đóng gói sẵn sản phẩm. Giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, năm 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất mà số tiền phải nộp theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30-12-2010 của Chính phủ… Bộ trưởng Bộ Tài chính đã báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định: Áp dụng thuế suất thuế TNDN 20% từ ngày 1-7-2013 (sớm hơn 6 tháng so với dự kiến thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN) đối với DN có quy mô vừa và nhỏ. Áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% (sớm hơn 6 tháng) đối với thu nhập từ đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội. Bổ sung ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi theo quy định của Luật Thuế TNDN để thực hiện từ ngày 1-7-2013 (sớm hơn 6 tháng). Nghị quyết Chính phủ nêu rõ, không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện. Giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi…

"Liều thuốc" hữu hiệu

Đánh giá về tác động của chính sách giãn, giảm thuế GTGT và TNDN, chuyên gia kinh tế Trương Bá Tuấn, Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, số thu từ thuế GTGT dự kiến sẽ không chịu tác động nhiều, vì không điều chỉnh thuế suất phổ thông, song việc giảm thuế TNDN sẽ khiến ngân sách bị ảnh hưởng. Dự kiến số thu giảm do điều chỉnh thuế suất   thuế TNDN năm 2014 khoảng 14 nghìn tỷ đồng (trong ngắn hạn). Tuy nhiên số thu từ thuế TNDN giảm có thể bù đắp thông qua sự tăng thu từ các nguồn khác do sự gia tăng về đầu tư từ ảnh hưởng của việc giảm thuế suất thuế TNDN (trong dài hạn). Thực tiễn những lần điều chỉnh thuế suất thuế TNDN năm 2003 và 2008 cho thấy, thuế suất giảm nhưng vẫn duy trì ổn định mức độ động viên về thu NSNN. Việc cải cách thuế sẽ hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất và thúc đẩy cải cách hành chính thuế.

Đồng quan điểm này, ông Miles K.Light, chuyên gia kinh tế của Phái đoàn Liên minh Châu Âu cho rằng, giảm thuế TNDN sẽ làm tăng GDP, phúc lợi cho hộ gia đình sẽ tăng lên. Nhận xét về việc áp dụng thuế GTGT 10% đối với tất cả các mặt hàng cả tiêu dùng trong nước và hàng hóa xuất nhập khẩu, ông cho rằng, thuế GTGT áp dụng đối với hàng hóa XNK chiếm 1/3 trong tổng số thu thuế GTGT của Việt Nam. Khi tăng thuế GTGT từ 5% lên 10% đối với một số mặt hàng, số thu từ thuế GTGT sẽ tăng nên giá hàng nhập khẩu tăng. Mặc dù điều này sẽ khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng nội địa, nhưng DN nhập khẩu sẽ chịu tác động tiêu cực. Theo ông, việc giảm dần mức thuế suất thuế TNDN sẽ tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, bởi mức 23% bảo đảm sự cạnh tranh về thuế TNDN, phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Điều này góp phần làm tăng uy tín và khả năng cạnh tranh của quốc gia trong khu vực. Khi đó sẽ có nhiều nhà đầu tư mở rộng vào Việt Nam hơn và sẽ làm gia tăng hoạt động kinh tế.

Những chính sách ưu đãi thuế được ban hành ngay đầu năm 2013 thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ DN và nhà đầu tư khôi phục hoạt động SXKD, là "liều thuốc" hữu hiệu nhằm hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và khôi phục đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo.


Tại Nghị quyết 02, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương sử dụng 250 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN để cấp bổ sung Quỹ Dự phòng bảo lãnh tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Đánh giá lại khả năng quy mô bảo lãnh tín dụng (BLTD) của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để xác định nhu cầu vốn cho phù hợp. Đồng thời tăng cường nguồn lực tài chính cho các quỹ BLTD địa phương từ các nguồn: thu từ cổ phần hóa các địa phương chưa nộp về trung ương, ngân sách địa phương để cấp bổ sung vốn điều lệ cho các quỹ này.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm thu ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.