Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp

Sơn Tùng| 25/02/2013 06:16

(HNM) - Việc chuyển từ trồng ngô và các cây trồng giá trị thấp sang trồng rau an toàn, quả đặc sản ở nhiều xã của huyện Gia Lâm đã mang lại lợi ích kinh tế cao.

Có mặt tại cánh đồng bãi xã Cổ Bi những ngày này, chúng tôi nhận thấy không khí sản xuất, thu hoạch rau màu khá tấp nập. Anh Trần Văn Giàu, người sở hữu 4ha chuối tiêu hồng cho biết: Mỗi ngày gia đình anh chở từ 2 đến 4 chuyến ô tô, khoảng 1.000 buồng chuối đi bán khắp mọi nơi. Vừa trao đổi, anh Giàu vừa dẫn chúng tôi đi thăm 7ha vườn đồng, trong đó có 4ha chuối tiêu hồng được trồng theo dự án của Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội từ cuối năm 2011. Chuối được trồng theo hàng thẳng tắp, cây nào buồng cũng dài, quả to. Với việc đưa chuối đi tiêu thụ ở khắp mọi nơi như hiện nay, thì một sào chuối tiêu hồng, gia đình anh Giàu thu cao gấp 7 đến 10 lần trồng ngô. Hơn nữa, trồng chuối tốn ít công, dễ trồng, dễ chăm sóc, bón ít phân và ít phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại.

Chăm sóc rau an toàn tại xã Văn Đức (huyện Gia Lâm). Ảnh: Trung Kiên


Được biết, cả xã Cổ Bi có 185ha đất canh tác, trong đó có gần 50ha đất bãi chuyên trồng cây màu. Năm 2005, xã đã vận động nông dân dồn điền, đổi thửa và dồn ruộng trên đất bãi để cho thuê thầu, tạo điều kiện cho các hộ có năng lực thực hiện mô hình kinh tế trang trại, chủ yếu trồng các loại cây ăn quả, trong đó có cây chuối tiêu hồng. Tương tự, xã Văn Đức có gần 290ha đất nông nghiệp, thì diện tích trồng rau chiếm tới 250ha. Năm 2012 vừa qua, Văn Đức xuất ra thị trường khoảng 20.000 tấn rau các loại và mỗi héc ta rau ở đây đạt khoảng 400 triệu đồng, trong đó chi phí sản xuất chiếm khoảng 30%, còn lại là lợi nhuận dành cho nhà nông.

Phó phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Trần Xuân Điệu cho biết: Ngoài chuối tiêu hồng, huyện Gia Lâm còn có trên 500ha đất canh tác chuyên sản xuất rau, hơn 200ha trồng ổi… Năm 2012, tổng diện tích gieo trồng rau màu, cây ăn quả các loại là 2.070ha, năng suất đạt 191,71 tạ/ha, tăng 24,46 tạ/ha. Địa phương cũng đã phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm ứng dụng khoa học, kỹ thuật, các nhà khoa học tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới... cho bà con nông dân. Những năm gần đây, các phòng, ban chuyên môn của huyện còn phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội giám sát các vùng sản xuất rau trên địa bàn huyện; triển khai mô hình chuỗi vệ sinh an toàn thực phẩm tại vùng rau Văn Đức. Hiện trên địa bàn huyện có 6 điểm chuyên trồng rau, với tổng diện tích hơn 392ha được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Tại các điểm này, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đều có cán bộ kỹ thuật chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc nông dân thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật sản xuất rau an toàn.

Tuy nhiên, ở nhiều xã trên địa bàn huyện Gia Lâm, hạ tầng giao thông nội đồng phục vụ việc vận chuyển hàng hóa vẫn còn khó khăn. Điển hình như vùng rau an toàn Văn Đức đã được đầu tư 7 tuyến đường, nhưng vẫn còn tới 17,7 trên tổng số 22,2km giao thông nội đồng là đường đất, đang xuống cấp nghiêm trọng, đi lại rất vất vả, nhất là vào mùa mưa. Người dân các địa phương rất mong thành phố Hà Nội, huyện Gia Lâm quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở: đường điện, giao thông, hệ thống tưới tiêu để tiếp tục chuyển các diện tích cây trồng kém hiệu quả còn lại sang trồng chuối, rau an toàn, quả đặc sản, chất lượng cao, nhằm tăng thu nhập, làm giàu từ nghề nông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.