Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công nghiệp hỗ trợ của vùng Thủ đô: Thêm nhiều động lực mới

Thanh Mai| 28/02/2013 07:36

(HNM) - Ngày 27-2, Sở Công thương Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương, các Trường Đại học Obirin, Đại học Mie, Đại học Nagasaki (Nhật Bản) tổ chức hội thảo về:

Tạo nên sản phẩm chủ lực

Tại vùng Thủ đô Hà Nội, hiện đã hình thành một số hệ thống doanh nghiệp (DN) và cơ sở chuyên doanh công nghiệp hỗ trợ, góp phần quyết định để tạo nên những sản phẩm chủ lực quan trọng, có giá trị gia tăng cao, kim ngạch xuất khẩu lớn, nằm trong top sản phẩm công nghiệp hàng đầu của vùng Thủ đô và trên cả nước.

Ở quy mô nhỏ, làng nghề Bát Tràng đã chuyên môn hóa khá sâu trong sản xuất bằng việc hình thành hệ thống cơ sở chuyên về công nghiệp hỗ trợ. Khâu làm đất có 30 cơ sở cơ khí hóa cao như Công ty Gốm sứ Bát Tràng Phomex, HTX Ánh Hồng… Khâu thiết kế và lắp đặt lò nung có Công ty Thiết kế và sản xuất gốm sứ Bát Tràng. Ngoài ra, còn có các cơ sở chuyên về đào tạo, dạy nghề nặn, vẽ; cung cấp gas, làm bao bì, vận chuyển… cơ sở du lịch làng nghề, giới thiệu sản phẩm...

Với sự xuất hiện của hai tập đoàn Canon Việt Nam, Panasonics, khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long đã hình thành một hệ thống với hàng chục DN hỗ trợ đến từ Nhật Bản: Công ty Nissei Elictric chuyên sản xuất trục kim loại cho máy in, Công ty Santomas sản xuất chi tiết nhựa chính xác, Công ty Fujipla sản xuất bánh răng nhựa điện tử, Công ty Kyoei sản xuất khuôn nhựa, Công ty Tokyo micro lắp ráp mô tơ, Công ty Lolex sản xuất linh kiện truyền dẫn điện tử… Bên cạnh đó, có thể kể đến nhóm DN hỗ trợ như Denso, Sakurai, Ohara, Machino, Matsuo… chuyên sản xuất, cung cấp linh phụ kiện cho DN lắp ráp ô tô, xe máy của Nhật Bản tại Việt Nam.

Với sự tập trung chuyên môn hóa và hợp tác hóa trình độ cao, Bắc Thăng Long được đánh giá là KCN lắp ráp và hỗ trợ thành công, là trung tâm sản xuất máy in của thế giới, với kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, nộp ngân sách trên 300 tỷ đồng/năm và thu hút trên 20.000 lao động.

Dấu ấn doanh nghiệp nội

Hiện nay, cũng đã có một số DN hỗ trợ Việt Nam tại Hà Nội vươn lên, trở thành nhà cung cấp cho các DN lắp ráp FDI Nhật Bản. Điển hình là các công ty: Kim khí Thăng Long, Nhựa Hà Nội, Dụng cụ cơ khí xuất khẩu, Xích líp Đông Anh… sản xuất phụ tùng xe máy cho Honda, Yamaha…; Công ty Hanel sản xuất xốp nhựa làm linh kiện máy in cho Canon Việt Nam; Công ty Xuân Hòa cung cấp chi tiết ghế ô tô cho Toyota… Nhờ hợp tác, các DN này đã đổi mới nhanh về công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, tạo ra sự tiến bộ vượt bậc về năng suất, chất lượng, hiệu quả và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu tập đoàn đa quốc gia. Mặc dù số lượng DN Hà Nội tham gia vào hệ thống sản xuất của Nhật Bản còn ít và mới chỉ làm một số phụ tùng linh kiện đơn giản, sản lượng nhỏ, giá trị thấp nhưng bước đầu đã khẳng định được khả năng đáp ứng đòi hỏi cao về chất lượng; giao hàng tần suất lớn đúng hạn, theo yêu cầu của đối tác.

Để có được kết quả trên, Sở Công thương Hà Nội đã có những nỗ lực nhất định trong việc kết nối DN hỗ trợ Việt Nam với DN Nhật Bản, như tìm cơ hội hợp tác, tổ chức hội chợ triển lãm, phối hợp xúc tiến thương mại, tổ chức các lớp học về quản trị, trao đổi, hợp tác sản xuất DN giữa Việt Nam và DN Nhật Bản… Sở đang tích cực kêu gọi các DN Nhật Bản đầu tư vào KCN hỗ trợ Nam Hà Nội (quy mô 500ha, được quy hoạch dành riêng cho công nghiệp hỗ trợ). Một số DN Nhật Bản như Yamaha, Denso, Goshi Thăng Long… đã quyết định đầu tư mở rộng vào KCN này. Đây là tín hiệu tốt, mở ra cơ hội hợp tác mới cho DN Việt Nam, tạo động lực phát triển mới với ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp hỗ trợ của vùng Thủ đô: Thêm nhiều động lực mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.