Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín chấp vay vốn để giúp nông dân thoát nghèo

Bạch Thanh| 11/03/2013 06:27

(HNM) - Đến nay, Hội Nông dân thành phố đang quản lý 2.480 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) theo địa bàn dân cư với 67.357 thành viên; trên 95% số tổ TK&VV được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) ủy nhiệm thu lãi, tiết kiệm.

Sau 10 năm thực hiện, dư nợ nhận ủy thác của hội liên tục tăng về khối lượng tín dụng và số lượng chương trình tín dụng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 148,81%/năm. 

Có nguồn vốn vay tín chấp, nhiều hội viên của huyện Thanh Oai sẽ có cơ hội xây dựng những mô hình phát triển kinh tế. Ảnh: Bá Hoạt


Phó Giám đốc NHCSXH thành phố Hà Nội Nguyễn Kim Phung nhận định: Là một trong hai tổ chức chính trị xã hội có dư nợ ủy thác lớn nhất với gần 1.000 tỷ đồng, các tổ TK&VV hoạt động tốt đã nhanh chóng đưa vốn ưu đãi đến với hội viên. Hội Nông dân là lực lượng nòng cốt trong việc kiểm tra, giám sát, bình xét hộ hội viên nghèo để cho vay đúng đối tượng. Tuy nhiên việc tổ chức thực hiện dịch vụ ủy thác của Hội Nông dân Hà Nội còn chưa toàn diện, đầy đủ 6 nội dung công việc được ủy thác. Công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, quy định của NH CSXH ở một số nơi chưa kịp thời; khâu chỉ đạo, hướng dẫn thành lập tổ TK&VV ở một số địa phương còn chưa đúng quy định; việc xem xét, kết nạp thành viên vào tổ thường giới hạn ở hội viên của hội nên còn một số hộ nghèo, đối tượng chính sách chưa được tiếp cận nguồn vốn; quá trình bình xét đối tượng vay vốn chưa thực sự dân chủ, công khai, còn tình trạng chia đều, xẻ mỏng mà chưa căn cứ vào nhu cầu, điều kiện cụ thể của từng hộ, thậm chí có nơi còn bình xét cho vay cả các đối tượng không thuộc diện được thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Sinh hoạt tổ TK&VV ở một số cơ sở còn mang tính hình thức, đơn điệu, chủ yếu tập trung đôn đốc việc trả nợ và thực hiện thu lãi, việc hướng dẫn giúp đỡ nhau giữa các tổ viên trong sản xuất và cuộc sống còn chưa được thường xuyên. Công tác đào tạo, tập huấn cán bộ hội, cán bộ tổ TK&VV một số nơi chưa thực sự chủ động, trông chờ, ỷ lại vào NHCSXH. Một số nơi chưa xây dựng được quy chế quản lý, sử dụng phí ủy thác, chưa thực hiện tốt công tác kế hoạch và quyết toán phí ủy thác hằng năm theo quy định quản lý tài chính hiện hành...

Khẳng định công tác ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hội, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Dương Thị Hằng cho biết: Trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục đổi mới công tác tham mưu, nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thực tế, việc huy động nguồn vốn để cho vay là một chỉ tiêu khó đối với các cấp hội cơ sở nên phải có nhiều biện pháp thực hiện mới hiệu quả. Cũng qua thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác đã giúp cho các cấp hội có điều kiện tập hợp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, hoạt động của hội sát thực và hiệu quả hơn, ngày càng thu hút nhiều nông dân vào hội. Thông qua công tác ủy thác cũng giúp các cấp hội có thêm kinh phí hoạt động, có điều kiện để thực hiện tốt hơn việc lồng ghép các chương trình hoạt động hội như trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân... để đẩy nhanh tiến trình xóa đói giảm nghèo cho các địa phương. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tín chấp vay vốn để giúp nông dân thoát nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.