Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp chống thất thu ngân sách

Hương Ly| 23/03/2013 06:02

(HNM) - Cả nước có khoảng 1,5 triệu hộ kinh doanh (HKD) đang hoạt động, hằng năm đóng góp 2,65% tổng thu nội địa. Để quản lý, ngành thuế phải sử dụng 20,55% tổng số cán bộ thuế, nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn.

Số nợ thuế của các HKD hiện lên tới hơn 1.200 tỷ đồng, song việc thu hồi và xử lý gặp không ít vướng mắc. Việc triển khai "Quy trình quản lý thuế đối với HKD" của Tổng cục Thuế (TCT) được coi là bước đột phá về công khai, minh bạch quá trình quản lý thuế với HKD, góp phần chống thất thu ngân sách.

Đổi mới Quy trình quản lý thuế hộ kinh doanh sẽ giúp cho công tác quản lý thuế minh bạch và hiệu quả hơn. Ảnh: Bá Hoạt


Quản lý thuế đối với hộ kinh doanh: Nhiều bất cập

Theo đánh giá của TCT, hầu hết các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thường có quy mô nhỏ, sản xuất, kinh doanh để tăng thêm thu nhập nên trình độ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ còn nhiều hạn chế. Phần lớn chủ HKD chưa được đào tạo về nghiệp vụ quản lý, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, trình độ nhận thức pháp luật về thuế chưa cao, không lập và giữ sổ sách kế toán theo quy định.

Công tác quản lý thuế đối với HKD đang tồn tại nhiều bất cập. Số nợ thuế của các HKD không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2009, nợ thuế 769 tỷ đồng thì năm 2010 tăng lên 1.238 tỷ đồng. Nợ thuế cao như vậy, nhưng hầu hết chi cục thuế lại chưa có biện pháp đôn đốc thu triệt để, chưa xử phạt chậm nộp và cưỡng chế thu nợ theo quy định. Bên cạnh những lý do khách quan, nợ thuế phát sinh còn do chủ HKD chết, mất tích mà chưa được cơ quan thuế xóa nợ; có những khoản nợ do nhầm lẫn khi thu thuế như viết nhầm biên lai, mã số thuế, mục lục ngân sách... nên không đủ căn cứ để xử phạt hành chính. Nhân lực tại đội thuế liên xã, phường, thị trấn bố trí chưa đồng đều, hợp lý và còn thiếu, ảnh hưởng đến việc tổ chức thu.

Minh bạch quản lý thuế

Tại hội thảo "Đổi mới và hoàn thiện công tác quản lý thuế đối với HKD" diễn ra mới đây tại Hà Nội, các vụ chức năng của TCT và đại diện 30 cục thuế địa phương đã có những đánh giá về thực trạng, tác động của chính sách thuế đối với công tác quản lý HKD theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế năm 2011-2020. Ông Nguyễn Quang Tiến, Phó ban cải cách TCT cho biết, ngành đã triển khai Quy trình quản lý thuế đối với HKD trên địa bàn cả nước nhằm công khai, minh bạch công tác quản lý. Theo đó, cơ quan thuế căn cứ vào mức độ và khả năng thực hiện việc ghi chép sổ sách kế toán, lưu giữ hóa đơn chứng từ khi mua bán hàng hóa dịch vụ của HKD để phân loại và áp dụng phương pháp quản lý phù hợp. Các HKD nộp theo phương pháp kê khai (gồm hộ đã đăng ký kinh doanh, được cấp mã số thuế, thực hiện đầy đủ chế độ kế toán) thì quản lý như doanh nghiệp. Hộ nộp theo phương pháp khoán gồm hộ không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế, không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ. Từ cơ sở đó, cơ quan thuế sẽ phân loại HKD thuộc diện không phải nộp thuế GTGT hay nộp thuế khoán... Ngoài ra, tùy theo thực tế tại địa phương, sẽ phân loại HKD theo bậc môn bài từng địa bàn kinh doanh hoặc phân loại theo nhóm ngành nghề cho phù hợp. Tổ chức điều tra doanh thu thực tế của HKD để làm căn cứ xác định phương pháp tính thuế sát với thực tế. Việc xác định mức doanh thu tháng của HKD không phải nộp thuế GTGT theo phương pháp khoán được lãnh đạo chi cục thuế phê duyệt, thực hiện chậm nhất vào ngày 30-11 của năm trước để làm căn cứ xác định khi lập bộ tính thuế năm sau.

Một trong những cải cách quản lý là niêm yết công khai mức doanh thu tháng của HKD không phải nộp thuế theo phương pháp khoán, dự kiến doanh thu và tiền thuế phải nộp tại trụ sở cơ quan thuế, UBND xã, phường để các hộ tiện theo dõi… Thời gian niêm yết từ ngày 2 đến ngày 10-1 hằng năm. Cơ quan thuế bố trí cán bộ thường trực tiếp nhận thông tin, ý kiến phản hồi và giải đáp thắc mắc về nội dung đã niêm yết. Những ý kiến đó được ghi nhận và tổng hợp làm tài liệu để cơ quan thuế xem xét điều chỉnh mức thuế...

Đổi mới Quy trình quản lý thuế đối với HKD sẽ giúp công tác quản lý thuế minh bạch, hiệu quả hơn, góp phần chống thất thu và giúp giảm áp lực trong quản lý khu vực kinh tế này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp chống thất thu ngân sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.