Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gian nan chống hàng giả, hàng nhái: Bị hại lại… thờ ơ!

Thùy Linh| 23/03/2013 06:05

(HNM) - Công cuộc chống hàng giả đã khó lại còn gian nan hơn bởi hàng giả, hàng nhái ngày càng giống như… thật. Trong khi đó, người tiêu dùng và cả doanh nghiệp chân chính, dù bị thiệt thòi nhưng vẫn dễ dãi chấp nhận, hoặc ngại chống, chẳng khác gì


Giả như thật

Tại hội chợ Triển lãm hàng thật - hàng giả vừa tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, nhiều người tiêu dùng (NTD) đã giật mình vì các loại hàng giả trưng bày ở đây giống hàng thật như… hai giọt nước. Điển hình là khẩu trang sợi hoạt tính Kissy của Công ty Kissy Việt Nam. Sản phẩm này đã được cấp bằng sáng chế độc quyền, được giới thiệu là sản xuất bằng sợi hoạt tính có khả năng lọc sạch không khí, ngăn bụi, khói xe nhưng đã bị làm giả y hệt, kể cả công dụng và logo. Thậm chí, giá bán mỗi chiếc khẩu trang này lên đến 40.000 đồng, thì hàng giả cũng in giá bán y hệt trên sản phẩm để bán ra thị trường. Hay như các loại sữa tắm dê White Care, Leivy xuất xứ từ Malaysia cũng bị giả đến mức nhìn từ bên ngoài không thể phân biệt, dù để hai chai thật - giả cạnh nhau. Theo ông Trần Văn Hồng, Phó Giám đốc kinh doanh siêu thị và nhà sách của Công ty TNHH SX&TM Nhân Lộc (đơn vị nhập khẩu sản phẩm sữa tắm Leivy), sản phẩm giả có mã vạch, tem phụ tiếng Việt y như thật. Chỉ riêng logo, do công ty đã thay đổi nên hàng giả… chưa theo kịp! Giấy Sài Gòn thì chỉ khác là giấy thật có in ngày sản xuất trên bao bì, còn giấy giả thì không có.

Giấy Sài Gòn thật có in ngày sản xuất trên bao bì, hàng giả thì không.



Không chỉ các sản phẩm trên, hàng loạt mỹ phẩm, quần áo may sẵn, mũ bảo hiểm, đồ gia dụng giả giống hệt như thật. Với kinh nghiệm tiếp xúc với các vụ khiếu nại về hàng hóa, ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP chia sẻ, có những sản phẩm làm giả mà kể cả nhân viên giám định của công ty cũng không thể phân biệt được bằng mắt thường, nói gì đến NTD.

Khó từ trong ra ngoài

Theo ông Nguyễn Văn Liêu, Phó Chi cục Quản lý thị trường TP, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp. Phần lớn hàng giả, hàng nhái xuất xứ từ Trung Quốc như quần áo, đồng hồ, mắt kính, túi xách, thiết bị điện - điện tử… Một số khác được sản xuất tại Việt Nam như quần áo, mỹ phẩm giả nhái các nhãn hiệu nổi tiếng. Thời gian qua, quản lý thị trường TP đã tạm giữ và xử lý hàng trăm nghìn sản phẩm giả đồng hồ hiệu Longines, Rolex; áo thun giả hiệu Lacoste; giày dép giả hiệu Nike, Adidas, Lacoste; mỹ phẩm giả hiệu Chanel; túi xách giả hiệu Louis Vuitton… Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Đội phó Đội QLTT 2A, hàng giả còn được bán công khai qua hình thức bán hàng qua truyền hình. Năm vừa qua, QLTT 2A đã phát hiện Công ty TNHH Home Shopping Việt Nam, Công ty TNHH XNK Trường Việt bán máy tập đi bộ giả mạo nhãn hiệu hàng hóa… Theo ông Dũng, nếu hàng giả được bán qua truyền hình thì sẽ có rất nhiều NTD bị lừa vì hàng được quảng cáo, giá cả rõ ràng, lại được mua bán thuận lợi như giao tại nhà…

Ông Nguyễn Văn Liêu cũng thừa nhận, dù quản lý thị trường đã rất nỗ lực nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn chưa giảm bao nhiêu. Cuộc chiến này gian nan không chỉ là vì sản phẩm ngày càng tinh vi, khó phát hiện, mà vì một phần NTD cũng "thỏa hiệp" với hàng giả. Trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa làm tốt trách nhiệm, để hàng giả, hàng nhái có "cửa" đi ra thị trường thì theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP, có thực tế đáng ngại là một số NTD dù biết là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn chấp nhận mua. Ông Trần Văn Hồng cũng đồng tình với lý do trên và dẫn chứng: Trong khi chai sữa tắm Leivy thật loại 1.150ml có giá bán 125.000-150.000 đồng thì giá bán hàng rao trên mạng chỉ khoảng 60.000 đồng/chai giao hàng tận nơi, ở các chợ chỉ khoảng 30.000-40.000 đồng và thậm chí hàng bán sỉ tại chợ Bình Tây chỉ có 38.000 đồng. Với sản phẩm này, NTD không khó để nhận ra hàng giả vì giá quá rẻ, thế nhưng vì ít tiền nên một số người đã chấp nhận.

Ông Ngô Bách Phong lại chia sẻ thêm một thông tin đáng lo ngại, đó là các doanh nghiệp dù từng bị thiệt hại nhưng cũng… ngại chống hàng giả. Lý do là doanh nghiệp sợ khi công bố có hàng giả sẽ khiến người tiêu dùng e dè và sẽ bị sụt giảm doanh số. Có doanh nghiệp muốn công bố các đặc điểm của hàng thật - giả nhưng lại sợ bị "phản ứng ngược" khi những người làm hàng giả nắm được đặc điểm hàng hóa để làm giả tiếp. Điều này được nhìn thấy rõ nhất khi số doanh nghiệp đăng ký tham gia hội chợ hàng thật - hàng giả ngày càng ít đi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan chống hàng giả, hàng nhái: Bị hại lại… thờ ơ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.