Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản xuất vật liệu xây dựng: Chưa qua cơn bĩ cực

Khánh Khoa| 28/03/2013 06:42

(HNM) - Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam lại vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng tiếp tục kiến nghị một loạt giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp lĩnh vực vật liệu.


Theo đề xuất của Hội Vật liệu xây dựng, hiện có 30 dây chuyền sản xuất xi măng công suất dưới 1.600 tấn/ngày (tổng công suất 11,6 triệu tấn/năm) với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng lớn, năng suất lao động thấp, ô nhiễm môi trường cần được xem xét. Bên cạnh đó, 9 dự án chuẩn bị đầu tư nên dừng đưa khỏi quy hoạch, đồng thời 9 dự án xi măng lò quay, công suất 2.500 tấn clinke/ngày dự kiến đầu tư giai đoạn 2016-2030, do công nghệ chỉ ở mức trung bình, không phù hợp với sự phát triển của ngành cần được tính toán lại. Bên cạnh đó, Hội cũng đề nghị cân nhắc một số dự án không có đủ nguồn nguyên liệu đá vôi để sản xuất, nằm trên địa bàn cần bảo vệ cảnh quan, di tích, bảo vệ môi trường sinh thái như dây chuyền 2 xi măng Ninh Bình, xi măng Mỹ Đức - Hà Nội, xi măng Xuân Thành 2 - Hà Nam... Các dự án chủ đầu tư không đủ năng lực, đã cấp phép nhiều năm vẫn chưa triển khai nên rút giấy phép như An Phú, Minh Tâm (Bình Phước), Đô Lương (Nghệ An), Long Thọ 2, Nam Đông (Thừa Thiên Huế)... Đặc biệt, bên cạnh việc rà soát quy hoạch, cắt giảm dự án đầu tư, hội đã lưu ý tình trạng có thể DN nước ngoài lợi dụng khó khăn, thôn tính DN trong nước, gây tổn hại lợi ích quốc gia. Theo đó, các DN xi măng nên tái cấu trúc theo hướng hình thành tổ hợp sản xuất xi măng lớn, đủ sức cạnh tranh, làm chủ thị trường. Hiện nay, có 46 công ty sản xuất xi măng, với nhiều thương hiệu, đầu mối trong đó nhiều DN không có năng lực quản lý, thiếu vốn, SXKD thua lỗ, phá sản và bên bờ vực phá sản. Mặt khác, hội cũng cho rằng, xi măng là mặt hàng chiến lược hết sức quan trọng, gắn với tài nguyên không tái tạo, vị trí mỗi nhà máy xi măng gắn với an ninh quốc phòng, vì vậy khi cho chủ trương đầu tư cần cân nhắc lựa chọn chủ đầu tư có năng lực tài chính, trình độ quản lý, vận hành, tránh tình trạng đầu tư xong không trả được nợ vay, đem bán cho nước ngoài. Hiện, các công ty có vốn FDI chiếm 33% công suất toàn ngành và dự kiến tiếp tục tăng tổng công suất trong những năm tới.

Liên quan đến các lĩnh vực khác, hội đề nghị Chính phủ yêu cầu các đơn vị sử dụng vật liệu xây dựng nội địa, không dùng hàng nhập khẩu; sớm triển khai làm đường cao tốc, quốc lộ bằng bê tông xi măng. Thi hành các biện pháp hạn chế nhập khẩu sản phẩm gốm - sứ, kính xây dựng, đá ốp lát, kiểm tra các nguồn sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam; quyết liệt hơn trong chống nhập lậu và thực hiện các hàng rào kỹ thuật với sản phẩm vật liệu.

Khó khăn của ngành vật liệu xây dựng những năm gần đây là tình trạng sụt giảm tiêu thụ, hàng tồn kho tăng khi thị trường bất động sản đình trệ. Nhu cầu xi măng nội địa trong 3 năm 2011-2013 giảm khoảng 14-15 triệu tấn; đến năm 2015 ước tính khoảng 60-65 triệu tấn, trong khi quy hoạch dự báo 75-76 triệu tấn. Như vậy, nếu tiếp tục đầu tư theo quy hoạch thì đến năm 2015, tổng công suất các nhà máy xi măng sẽ đạt tới 94 triệu tấn, thừa khoảng 25 triệu tấn và đến năm 2020 lên tới 129 triệu tấn, thừa hơn 40 triệu tấn. Trong khi đó, bên cạnh việc đầu tư xây dựng trong nước giảm; hàng vật liệu xây dựng như gốm sứ xây dựng, kính xây dựng, đá ốp lát, sơn các loại, tấm lợp kim loại... lại ồ ạt nhập khẩu, bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh làm cho các DN sản xuất cầm chừng, ngừng sản xuất, chỉ khai thác được 60-80% năng lực sản xuất.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tổng công suất thiết kế các nhà máy gạch ốp lát của cả nước là hơn 400 triệu mét vuông (gồm granite, ceramic, cotto). Nhiều nhà máy đã phải ngừng sản xuất 2-3 tháng vì tiêu thụ chậm; công suất hiện có được khai thác thấp, chỉ vào khoảng dưới 50%; lượng tồn kho lớn, mặc dù từ đầu năm nhiều dây chuyền phải dừng do không tiêu thụ được. Sản phẩm kính nổi tồn kho trung bình của cả nước là 5 tháng sản xuất, cá biệt có DN tồn 6 tháng sản xuất; kính cán có 4 dây chuyền đã phải dừng sản xuất 3 dây chuyền; kính gia công bị cạnh tranh mạnh hơn, giảm sản lượng 40-50% so với năm 2011.

Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng khẩn trương trình Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện ưu đãi tín dụng và thuế cho các nhà máy xi măng đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải lò nung clinke xi măng để phát điện; nhằm tiết kiệm 25% năng lượng (> 1,5 tỷ KWh) và sử dụng phế thải công nghiệp, rác thải để sản xuất xi măng. Đến nay mới có 3 nhà máy đầu tư hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải, còn 40 nhà máy chưa đầu tư.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất vật liệu xây dựng: Chưa qua cơn bĩ cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.