Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn

Thủy Hương| 20/05/2013 15:45

(HNMO) - Tăng trưởng tín dụng thấp, ngân sách yếu và doanh nghiệp bị suy kiệt-các cơ sở để tăng trưởng yếu như vậy thì nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.


Ngày 20-5, Cổng thông tin ngân hàng Laisuat.vn cùng Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức hội thảo “Ngân hàng và doanh nghiệp-giải pháp dòng tiền” với sự tài trợ của Ngân hàng Đông Nam Á (Seabank).

Tại hội thảo, PGS.TS.Trần Đình Thiên-Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, năm 2012 và đầu năm 2013 Việt Nam đạt được một số kết quả quan trọng theo hướng tích cực. Đó là kéo lạm phát xuống mức thấp (18% năm 2011 xuống còn 6,81% năm 2012), kéo theo đó là giảm đáng kể mức lãi suất. Đặc biệt, sự đảo chiều cán cân thương mại từ nhập siêu 9 tỷ USD năm 2011 sang xuất siêu hơn nửa tỷ USD năm 2012; tỷ giá ổn định và tăng mạnh lượng dự trữ ngoại tệ.

Tuy nhiên, theo ông, xu hướng chủ đạo vẫn là tiêu cực. Cụ thể, năm 2012 và đầu năm 2013 nền kinh tế vẫn trong tình trạng “bất thường” trong khi đó mấy năm qua chúng ta chỉ dùng các giải pháp “thông thường” và điều đó lý giải tại sao nền kinh tế mãi không thoát khỏi tình trạng khó khăn, có nguy cơ rơi vào vòng xoáy đình trệ-lạm phát và khủng hoảng. Chẳng hạn, năm 2012 tốc độ tăng GDP thấp nhất trong vòng 13 năm qua; tỷ trọng đầu tư xã hội/GDP giảm mạnh từ 41,9% (năm 2010) xuống còn 33,5% (năm 2012) và quý I năm 2013 còn 28%; lạm phát được kiềm chế nhưng không vững chắc và chỉ trong ngắn hạn cộng với dao động lạm phát lớn khiến nền kinh tế bất ổn. Đó là chưa kể nợ xấu, tồn kho, tăng trưởng tín dụng đều ở cấp độ tiêu cực chưa từng thấy.

Trong khi đó, quý 1-2013, hai yếu tố quyết định khôi phục tăng trưởng và ổn định vĩ mô là tăng trưởng tín dụng và thu chi ngân sách đều thấp hơn các năm trước. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng chỉ là 0,03%, còn thu chi ngân sách lần lượt đạt 16,7% và 18,5% dự toán năm. Bên cạnh đó, chỉ trong quý I, số doanh nghiệp đóng cửa lên tới 15.300, lần đầu tiên vươn lên ngang với số doanh nghiệp đăng ký mới (15.700). Điều này có thể lý hiểu được khi mà doanh nghiệp tại Việt Nam thường phụ thuộc nhiều vào nguồn vay từ bên ngoài, chính vì thế, khi việc đi vay khó khăn thì doanh nghiệp ngay lập tức gặp khó.

“Như vậy, tình hình quý I đã phản ánh chính xác sức khỏe thực tế không tốt của nền kinh tế; đồng thời chỉ báo triển vọng khôi phục ổn định và phục hồi tăng trưởng không rõ ràng của nền kinh tế trong năm 2013. Vì vậy, những dự báo về khả năng “đến đáy và thoát đáy” của nền kinh tế bắt đầu từ giữa năm 2013 đang trở nên xa thực tế hơn.”-PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Như vậy, tăng trưởng tín dụng thấp, ngân sách yếu và doanh nghiệp bị suy kiệt nhiều-các cơ sở tăng trưởng yếu như vậy thì nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Vì thế, để giải quyết nhưng vấn đề hiện tại của nền kinh tế, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, không thể không thể giải quyết bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ mà phải có những giải pháp cụ thể. Ví dụ như tập trung nguồn tiền giải quyết nợ xấu; tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nhưng không phải là tái cơ cấu đồng loạt mà thực hiện trọng điểm tại một vài Tập đoàn để lấy mẫu và tạo lòng tin, sau khi thành công sẽ thực hiện dần sang các Tập đoàn khác.

Bên cạnh đó,  cũng cần thay đổi cơ chế điều hành lãi suất bằng cách áp trần lãi suất cho vay thay vì trần lãi suất huy động. Tăng cường quản lý rủi ro và hệ thống quản trị doanh nghiệp cũng cần được thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.