Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Dẹp loạn” tin nhắn rác: Xử “ngọn”, quên “gốc”

Việt Nga| 28/06/2013 06:34

(HNM) - Việc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội có văn bản yêu cầu các nhà mạng cắt liên lạc đối với thuê bao phát tán tin nhắn rác, tin lừa đảo… đã góp phần không nhỏ trong việc làm giảm tình trạng này.

Nhiều thuê bao MobiFone, Vinaphone vẫn bị tin nhắn rác “hành”. Ảnh: Thanh Hải


Được biết, hơn một tuần trở lại đây, nhiều thuê bao MobiFone, Vinaphone đã ít phải nhận tin nhắn rác hơn so với trước - điều mà trước đây là không tưởng vì trung bình mỗi ngày thuê bao của hai nhà mạng này thường nhận 2-3 tin rác, thậm chí có ngày tới 4-5 tin rác, dù chủ nhân đã nhắn tin từ chối nhận quảng cáo. Việc phát tán tin nhắn rác, tin lừa đảo được thực hiện như sau: Các cá nhân, doanh nghiệp (DN) cung cấp nội dung có sở hữu đầu số (CSP) hoặc sử dụng sim trả trước để phát tán tin nhắn rác trực tiếp hoặc thông qua đối tác (dùng sim trả trước quảng cáo và dẫn dụ gọi đến một thuê bao, đầu số khác) để cùng chia lợi nhuận. Nội dung tin nhắn rác là quảng cáo mua bán sim số đẹp, chăn ga gối đệm, mua bán nhà đất, đồ điện tử, điện lạnh; các loại tin lừa đảo, dẫn dụ người dùng tải game hay truy cập website rồi trừ tiền người dùng, lừa đảo tặng quà, dụ người dùng gọi đến đầu số 1900xxxx để nghe truyện đồi trụy... Để có kết quả này, cuối tháng 5-2013, Sở TT-TT ra văn bản yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cắt liên lạc đối với 127 số điện thoại (gồm 118 thuê bao, 9 đầu số tổng đài) phát tán tin rác và số điện thoại liên hệ trong tin rác; đồng thời, yêu cầu các DN báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 20-6. Đáng chú ý, trừ 9 đầu số tổng đài, còn lại trong số 118 thuê bao điện thoại, có nhiều số là sim đẹp, độc (giá trị ước tính lên tới cả tỷ đồng) với các dãy số tiến, tứ quý, ngũ quý, lục quý, lặp đôi, lặp ba và đều được sử dụng làm các số liên hệ trong tin nhắn rác. Tuy nhiên, do đã vi phạm quy định nên các thuê bao này đều bị yêu cầu cắt liên lạc.

Điều này dẫn tới trước và sau ngày 20-6, lượng tin nhắn rác tới các thuê bao MobiFone và Vinaphone đã giảm rõ rệt. Có nghĩa là "nguồn" phát tán tin nhắn rác đã tạm thời biết "chùn tay" trước sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước và DN.

Tuy nhiên, cách đây một tuần, nhiều thuê bao Vinaphone lại nhận được tin nhắn từ sim 11 số gửi với nội dung: Anh gọi lại cho em vào số này nhé - 19001973, em Huong, hoặc em Thuy… tùy từng tin nhắn. Theo phản ánh trên một số diễn đàn, có khách hàng gọi đến đầu số tổng đài trên thì được kết nối đến tổng đài tư vấn và rút cuộc, bị trừ cả chục nghìn đồng (giá cước của tổng đài này là 9.091 đồng/phút). Được biết, một số đơn vị của Bộ TT-TT đã làm việc với đơn vị quản lý đầu số kể trên và sẽ xử lý vi phạm. Song điều này cho thấy, có không ít vấn đề liên quan đến nạn tin nhắn rác lại bắt nguồn từ chính các DN viễn thông. Cụ thể, ngoài 3 nhà mạng lớn còn có DN kinh doanh đường trục như VTN, VTI, rồi FPT… đều được giao quản lý các đầu số, sau đó họ cho các công ty về nội dung kinh doanh lại (gọi là CSP), các CSP này hoặc trực tiếp phát tán tin hoặc lại phối hợp ăn chia với DN không có đầu số (gọi là CP) sử dụng sim rác phát tán tin rác, tin lừa đảo… Do vậy, bên cạnh việc mạnh tay xử lý "phần ngọn" bằng cách yêu cầu cắt liên lạc đối với thuê bao rác thì cơ quan quản lý nhà nước (Bộ TT-TT) cũng cần có biện pháp ràng buộc trách nhiệm của các DN quản lý đầu số để họ làm tốt hơn vai trò của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Dẹp loạn” tin nhắn rác: Xử “ngọn”, quên “gốc”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.