Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo, thủy sản: Cần quy hoạch, tổ chức lại sản xuất

Đặng Loan| 06/07/2013 06:43

(HNM) - Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2013 được tổ chức ngày 5-7 tại TP Cần Thơ.

Sản xuất lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long.


Lúa gạo - Tổ chức lại sản xuất

Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo ước đạt 3,5 triệu tấn, kim ngạch hơn 1,5 tỷ USD, tăng 2,5% về số lượng nhưng lại giảm hơn 2% giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết tình hình dư thừa lương thực trên thế giới không chỉ diễn ra trong năm nay mà còn kéo dài nhiều năm nữa vì những nước nhập khẩu lớn đã tăng sản xuất để chủ động lương thực và tồn kho lương thực trên thế giới đang rất lớn.

Trước tình hình trên, lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đều cho rằng phải xác định lại cơ cấu mùa vụ cho hợp lý và với tình trạng dư thừa hiện nay thì chỉ nên làm hai vụ lúa. Tuy nhiên, chuyển đổi mô hình sản xuất, cơ cấu lại mùa vụ thế nào cho hợp lý là vấn đề không hề đơn giản. Với ý kiến bỏ lúa vụ 3, theo ông Trương Thanh Phong, quy hoạch là rất cần nhưng không thể nóng vội. Ví dụ, nếu còn hai vụ thì không nên bỏ sản xuất vụ thu đông vì chất lượng lúa vụ này rất tốt, hơn cả chất lượng lúa hè thu. Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng, các địa phương không nên thấy lúa thấp, rớt giá mà vội chuyển sang cây màu khi chưa có tính toán hợp lý. Còn theo ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh An Giang, chỉ cần cơ cấu lại vì thị trường gạo chỉ khó khăn ở cấp thấp, còn xuất khẩu lúa thơm và chất lượng cao vẫn thuận lợi.

Một trong những hướng đi mới nữa là mô hình cánh đồng mẫu lớn ở An Giang, Bạc Liêu. Theo các đại biểu, với những thành công bước đầu, mô hình này đáng để các địa phương học hỏi trong việc tổ chức quy trình sản xuất, giải quyết vấn đề bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ông Huỳnh Thế Năng đề nghị các công ty lớn của Nhà nước tham gia vào cánh đồng mẫu lớn với nông dân vì 70% - 80% lúa gạo xuất khẩu là của các công ty này. Tuy nhiên, ông Phong cho hay DN không thể tham gia vì không có kỹ thuật và cũng không có nguồn vốn để đầu tư.

Thủy sản - Phải chấm dứt cạnh tranh không lành mạnh

Ngành thủy sản càng khó khăn hơn khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm và các rào cản thuế từ Hoa Kỳ, rào cản kỹ thuật của Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,86 tỷ USD, chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ. Những khó khăn của xuất khẩu cũng đã tác động mạnh đến sản xuất, kinh doanh, làm giảm thu nhập, thậm chí nông dân phải chịu thua lỗ. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, với mỗi kilôgam cá tra bán ra, người nuôi phải chịu lỗ đến 3.000 đồng.

Về tình trạng hạ giá để cạnh tranh giữa các DN khiến ngành cá tra lao đao, ông Huỳnh Thế Năng cho biết, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đồng thuận giữ sản lượng, nâng cao chất lượng và giá trị; xây dựng thương hiệu cho cá tra xuất khẩu. Hiện ngành cá tra có sự chuyển biến là DN đầu tư vùng nuôi để chủ động nguyên liệu. Đây là xu thế đáng hoan nghênh nhưng bất cập là DN đang lấy vốn ngắn hạn dùng làm vốn dài hạn phục vụ xây dựng vùng nuôi. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ nguồn vốn để tháo gỡ khó khăn trước mắt và trung hạn cho ngành cá tra. Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, nông nghiệp luôn là lĩnh vực ưu tiên giải ngân của ngân hàng và khẳng định sẽ chỉ đạo ngân hàng thương mại bám sát DN làm ăn hiệu quả, đáp ứng nguồn vốn cho DN.

Kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo, về ngắn hạn, cần tiếp tục thực hiện tốt chính sách đã ban hành như hoàn thành việc tạm trữ 1 triệu tấn lúa; thực hiện tín dụng cho sản xuất, thu mua, xuất khẩu; đề nghị các địa phương kiểm soát dịch bệnh… Về lâu dài, phải triển khai thực hiện tốt quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Quy hoạch sản xuất là vấn đề quan trọng, phải gắn với cung cầu thị trường với mục tiêu nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, địa phương thực hiện công tác quy hoạch và thực hiện tổ chức lại sản xuất, liên kết giữa các DN với nhau; liên kết giữa DN và người dân để tạo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, các địa phương nghiên cứu, thí điểm thành lập quỹ hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt lúc giá xuống để kịp thời hỗ trợ người nông dân.

Yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay mua thóc, gạo tạm trữ

(HNM) - Ngày 4-7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản số 4713/NHNN-TD về việc giảm lãi suất các khoản vay mua thóc, gạo tạm trữ vụ hè thu năm 2013. Theo đó, NHNN quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn) là 9%/năm. Để việc cho vay mua thóc, gạo đạt hiệu quả và phù hợp với diễn biến lãi suất trên thị trường hiện nay, NHNN đề nghị các ngân hàng gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; TMCP: Công thương, Ngoại thương, Đầu tư và Phát triển, Sài Gòn - Hà Nội, Bưu điện Liên Việt, Đông Nam Á, Phát triển TP Hồ Chí Minh… chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho vay mua tạm trữ thóc, gạo.

Đức Anh
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo, thủy sản: Cần quy hoạch, tổ chức lại sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.