Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần ưu tiên tăng trưởng kinh tế

Hương Ly| 06/07/2013 07:36

(HNM) - Sáu tháng đầu năm 2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,40%, mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm 2013, CPI cả nước chỉ tăng 2,40% so với tháng 12-2012, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong tháng 1 và 2, hầu hết nhóm hàng hóa đều tăng nhẹ do đây là thời điểm Tết Nguyên đán song từ tháng 3 đến tháng 6, giá hàng hóa đã giảm liên tục, đặc biệt là nhóm lương thực, thực phẩm. Điều này đã khiến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm giá mạnh. Các nhóm hàng còn lại, giá ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ.

Không thể chủ quan, lơ là trước diễn biến giá cả trong những tháng cuối năm.Ảnh: Thanh Hải



Theo phân tích của Cục Quản lý giá, kết quả trên có được là do kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu phục hồi vững chắc. Do đó, giá một số loại hàng hóa trong nước có kim ngạch xuất - nhập khẩu lớn giảm, từ đó tác động vào thị trường "nội" và làm giảm nhẹ áp lực tăng lạm phát. Tính bình quân những tháng đầu năm, giá thép giảm 10,61%, dầu thô giảm 9,36%, gạo giảm 5,8%, than đá giảm 17,39%, cao su giảm 13,9%... Trong khi đó, kinh tế trong nước vẫn còn nhiều thách thức, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm khiến tổng cầu của nền kinh tế thấp. Chỉ số hàng tồn kho của các ngành chế biến ở mức cao, đồng thời lãi suất dù đã được điều chỉnh giảm mạnh nhưng khả năng tiếp cận và hấp thu nguồn vốn của DN vẫn thấp. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân đã thắt chặt chi tiêu khiến sức mua trên thị trường giảm mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội sau khi loại trừ yếu tố tăng giá chỉ tăng khoảng 4,9% trong 6 tháng đầu năm.

Ngoài những yếu tố khách quan khiến CPI ổn định, việc bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa và quản lý, điều hành giá sát với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như điện, than, xăng dầu, dịch vụ giáo dục, y tế… cũng được triển khai đồng bộ. Với giá điện, sau lần điều chỉnh tăng 5% ngày 22-12-2012 (từ mức 1.369 đồng/kwh lên 1.437 đồng/kwh), giá điện bình quân đã ổn định cho đến nay. Giá xăng dầu 6 tháng đầu năm đã điều chỉnh tăng 3 lần, giảm 3 lần. Giá dịch vụ khám chữa bệnh (viện phí) của Nhà nước tại một số địa phương đã giãn thời gian điều chỉnh tăng theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Giá dịch vụ giáo dục (học phí) cũng được giãn thời gian điều chỉnh và dự kiến sẽ thực hiện điều chỉnh tăng theo hướng phù hợp với khả năng chi trả của người dân và điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư…

Kích cầu gắn với quản lý chặt chẽ giá hàng thiết yếu

Theo các chuyên gia, so với mục tiêu cả năm của Chính phủ (CPI tăng 6-6,5%) và mục tiêu của Quốc hội (CPI tăng không quá 8%), dư địa kiềm chế lạm phát 6 tháng cuối năm tương đối lớn. Vì vậy, những tháng cuối năm, có thể ưu tiên mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hơn mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng, từ đó lựa chọn các giải pháp kích cầu nội địa phù hợp. Tuy nhiên, cuối năm cũng là thời điểm xuất hiện các yếu tố bất lợi như giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, tình hình bão lũ, dịch bệnh khó kiểm soát và một số địa phương sẽ điều chỉnh tăng viện phí, học phí theo lộ trình. Vì vậy, chưa thể lơ là, chủ quan bởi sự nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ "quá liều" sẽ khiến diễn biến lạm phát thay đổi nhanh chóng. Việc thực hiện lộ trình tăng giá một số loại hàng hóa, dịch vụ nếu thiếu sự thận trọng về liều lượng và thời điểm cũng sẽ cộng hưởng, kích hoạt lạm phát quay trở lại.

Để giữ ổn định giá thị trường những tháng cuối năm, Cục Quản lý giá đã kiến nghị 4 giải pháp cơ bản. Đối với giá xăng dầu, giá than bán cho sản xuất điện, sẽ thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Với giá dịch vụ y tế và giáo dục (viện phí và học phí), Bộ Tài chính đề xuất UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo thực hiện lộ trình tăng học phí theo hướng cân nhắc kỹ lưỡng về thời gian, mức độ tăng. Giá một số loại dịch vụ công khác như văn hóa, giáo dục, môi trường… sẽ điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí, phù hợp với chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân. Bên cạnh đó, Cục Quản lý giá sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa và giá cả thị trường, từ đó kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, góp phần kiềm chế lạm phát và bình ổn thị trường; tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá nhằm kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần ưu tiên tăng trưởng kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.