Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần minh bạch và ổn định chính sách

Đặng Loan| 06/09/2013 07:10

(HNM) - Hợp tác công tư (PPP) được xem là hình thức thu hút vốn đầu tư xây dựng hạ tầng hiệu quả trong điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn thu ngân sách giảm mạnh. Tuy nhiên, hình thức huy động vốn này vẫn còn nhiều vướng mắc khiến nhà đầu tư chưa mặn mà.

Nhiều vướng mắc khi thực hiện PPP

8 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 63,9% và dự ước tổng thu ngân sách cả năm 2013 sẽ hụt 19.880 tỷ đồng so với dự toán. Nguồn thu giảm dẫn đến nguồn vốn ngân sách chi cho lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản ngày càng eo hẹp. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng cho biết, trước đây vốn đầu tư hạ tầng từ ngân sách địa phương chiếm khoảng 20%/năm và hiện giảm còn khoảng 12%. Chính vì vậy, thành phố đang rất chú trọng việc kêu gọi vốn đầu tư hạ tầng ngoài ngân sách.

Cầu Phú Mỹ là một trong những dự án gặp trục trặc trong thu hồi vốn đầu tư do có ít phương tiện qua lại.


Nhiều dự án cần vốn, trong khi việc thực hiện PPP còn nhiều vướng mắc, chưa được hướng dẫn cụ thể. Tại hội thảo về hợp tác công tư mới đây do Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh tổ chức, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện đơn vị này đang có một số dự án cần thu hút đầu tư theo hình thức PPP. Cụ thể, tuyến đường sắt đô thị số 4 với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD đang có nhà đầu tư muốn ký kết PPP. Theo Quyết định 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP thì nguồn vốn chủ đầu tư bỏ ra là 70%, tương đương 1,4 tỷ USD. Đây là nguồn tài chính không nhỏ nên nhà đầu tư muốn Chính phủ bảo lãnh một phần trong số 70% thì có được không? Mặt khác, vấn đề thu hồi vốn như thế nào, đặc biệt với tổng vốn 2 tỷ USD mà với giá vé tàu hiện nay thì rất nhỏ. Cùng vấn đề, đại diện Công ty Cấp nước Sài Gòn cũng đặt câu hỏi, việc tìm nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực cấp nước cũng rất khó khăn bởi thu hồi vốn phụ thuộc vào giá nước mà giá này do UBND thành phố quyết định nên nhà đầu tư cần sự tham gia của Nhà nước và cần được cam kết trong trường hợp giá nước thấp thì chính quyền cần phải hỗ trợ tăng giá nước nhằm tăng doanh thu cho nhà đầu tư thu hồi vốn thì có được không?

Với kinh nghiệm là nước thực hiện PPP thành công, bà Claire Phillips, Giám đốc Cơ quan hợp tác địa phương (IUK) cho biết, tại Anh, việc chính quyền bảo lãnh tài chính cho nhà đầu tư là hãn hữu dù việc bảo lãnh này vẫn nằm trong khuôn khổ hợp đồng PPP. Bà Claire Phillips lưu ý, đầu tư theo hình thức PPP là chuyển giao trách nhiệm cho nhà đầu tư, vì vậy nếu chính phủ bảo lãnh thì cũng là nhà nước "ôm" lại mà thôi. Về vấn đề thu hồi vốn, bà Claire Phillips cho biết, trong hợp đồng đấu thầu nhà đầu tư phải ghi rõ hình thức thu phí, thời gian thu phí và thu phí bao nhiêu… để nhà nước xét duyệt.

Minh bạch và ổn định chính sách

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, rất nhiều dự án khi huy động vốn thực của tư nhân thì sau đó trục trặc lại đến từ phía nhà nước khiến niềm tin của nhà đầu tư bị suy giảm. Ông Thành đưa ra các ví dụ như Nhà máy cấp nước Bình An của nhà đầu tư Malaysia được xây dựng với phương thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Khi nhà đầu tư hoàn thành nhiệm vụ thì phần đường ống do thành phố chịu trách nhiệm lại chưa xây xong nên không thể đưa vào vận hành, khiến nhà đầu tư khó khăn trong thu hồi vốn. Hay như gần đây nhất là dự án cầu Phú Mỹ cũng theo phương thức BOT, cầu đã xong nhưng cơ sở hạ tầng không đồng bộ như cam kết hợp đồng, xe không lưu thông được nên doanh thu ít, nhà đầu tư thu hồi vốn không được… Chính những điều đó khiến nhà đầu tư tư nhân giảm sút niềm tin, ngần ngại khi tham gia dự án.

Theo ông Vũ Ngọc Nam (Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh), để thu hút các nhà đầu tư tham gia PPP, vấn đề quan trọng nhất là minh bạch dự án vì nhà đầu tư muốn biết họ được hưởng gì từ dự án thì mới quyết định có rót vốn đầu tư hay không. Bên cạnh đó, cần phải ổn định chính sách, vì một dự án thực hiện 20 - 30 năm mà chính sách liên tục thay đổi thì không nhà đầu tư nào dám đầu tư vào. Còn theo chuyên gia Lương Văn Lý, có rất nhiều điểm của Quyết định 71/2010/QĐ-TTg phải điều chỉnh mới có thể thu hút nhà đầu tư. Theo đó, phần tham gia của Nhà nước là 30% là phù hợp với Việt Nam, tuy nhiên không nên hạn chế phần của Nhà nước trong việc chuẩn bị dự án. Theo ông Lý, chính quyền cần trả một phần phí dịch vụ cho nhà đầu tư trong quá trình tham gia dự án để thể hiện sự đồng hành trong quá trình đầu tư, giúp nhà đầu tư cảm thấy an tâm và đây cũng chính là quyền lợi của Nhà nước khi theo dõi suốt quá trình thực hiện dự án. Với quy định đấu thầu để chọn nhà đầu tư, ông Lý cho rằng nếu dự án nằm trong danh mục của Nhà nước thì đấu thầu, còn trường hợp nhà đầu tư chủ động đề nghị dự án thì nên có những ưu tiên và dĩ nhiên, trường hợp nào cũng cần phải minh bạch. Bên cạnh đó, cần có một cơ quan chuyên trách về PPP. Hiện Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh đã thành lập phòng chuyên trách về PPP nhưng điều đó là chưa đủ, bởi PPP cần sự phối hợp giữa các sở, ngành, nhiều cơ quan cùng phối hợp đồng bộ mới có thể thực hiện thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần minh bạch và ổn định chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.