Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nửa chặng đường phát triển KT-XH 2011-2015: Nhìn lại để đi tới

Khánh Ly| 24/09/2013 06:01

(HNM) - Sau nửa chặng đường thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015, những khó khăn của kinh tế nước ta đã nhanh chóng bộc lộ.



Đổi mới tư duy quản lý kinh tế hướng tới đề cao trách nhiệm cá nhân, minh bạch hóa chính sách và tạo dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định… là những khuyến nghị được các chuyên gia đề xuất tại hội thảo "Nhìn lại nửa chặng đường phát triển KT-XH 5 năm (2011-2015) và những điều chỉnh chiến lược" do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 23-9, tại Hà Nội.

Những tháng đầu năm 2013, khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có nhiều cải thiện, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chậm và chưa vững chắc. Ảnh: Huy Hùng


Hé lộ cơ cấu kinh tế dễ bị tổn thương

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu với những tác động tiêu cực đã khiến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, rơi vào tình trạng bất ổn. Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, từ cuối năm 2007, đã xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng về những yếu kém của nền kinh tế. Bối cảnh khó khăn kèm theo một cơ cấu kinh tế dễ bị tổn thương đã khiến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sụt giảm nhanh chóng. Trong giai đoạn 2006-2010, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất Châu Á. Dự trữ ngoại tệ thường trong tình trạng căng thẳng, tỷ giá được điều chỉnh bởi các quyết định hành chính và thường xuyên chịu áp lực phá giá đồng tiền. Thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường cổ phiếu, biến động bất thường với biên độ cao.

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn phát triển KT-XH 5 năm (2011-2015), phần lớn những chỉ tiêu quan trọng nhất (7/11 chỉ tiêu) liên quan tới tăng trưởng, việc làm, kiềm chế lạm phát và thu chi ngân sách có khả năng không đạt mục tiêu đề ra. Trên thực tế, mục tiêu trong giai đoạn này là duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 7-7,5%, song tốc độ này đã liên tục suy giảm từ mức 5,89% (năm 2011) xuống 5,03% (năm 2012); 6 tháng đầu năm 2013, chỉ còn 4,9%.

Nhận xét về nửa chặng đường thực hiện kế hoạch, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, không thể phủ nhận cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008 là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế suy giảm, song không thể đổ lỗi hoàn toàn cho điều này. Trên thực tế, các quốc gia trong khu vực ASEAN cũng chịu những tác động khủng hoảng nhưng họ vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá. Thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, giai đoạn 2011-2012, các nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan đều tăng trưởng cao hơn giai đoạn 2008-2010, trong khi tốc độ tăng trưởng của Việt Nam suy giảm trong cả hai giai đoạn này. Tăng trưởng của nước ta đã bắt đầu xu thế giảm nhanh và liên tục từ cuối 2007 và đến năm 2012 đã nằm ở mức thấp nhất kể từ năm 2000.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, "căn bệnh thành tích" đã khiến hệ thống số liệu thống kê trở nên thiếu chính xác. Những số liệu liên quan đến tỷ lệ nợ xấu, tăng trưởng GDP cấp tỉnh, doanh nghiệp nhà nước… đều trong tình trạng "tiền hậu bất nhất". Hệ lụy này có một phần trách nhiệm của các nhà khoa học, thống kê, các viện nghiên cứu kinh tế, xã hội khi cố gắng "làm đẹp" số liệu để báo cáo cấp trên đã dẫn đến hệ lụy là các chính sách ban hành không sát với thực tế và khó đạt hiệu quả như mong muốn.

Những khuyến nghị chiến lược

Theo kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt, giai đoạn 2011-2015, sẽ phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; trong 2-3 năm đầu, tập trung ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm mục tiêu tăng trưởng hợp lý. So với năm 2011, nhiều "điểm sáng" kinh tế đã xuất hiện trong năm 2012. Lần đầu tiên, xuất siêu của Việt Nam đạt mức 780 triệu USD. Chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 6,81% so với mức 18,13% (năm 2011) và 11,75% (năm 2010). Các lãi suất chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước đã được điều chỉnh giảm dần. Tăng trưởng trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt cao hơn so với kế hoạch. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, kinh phí bố trí thực hiện các chính sách an sinh xã hội vẫn đạt 35,8% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 33,2% so với thực hiện năm 2011… Những tháng đầu năm 2013, kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ ổn định. Kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu và khả năng thu hút nguồn vốn FDI đều có nhiều cải thiện. Song các chuyên gia cho rằng, tốc độ tăng trưởng chậm và chưa vững chắc vẫn là mối lo khi sản xuất - kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ở mức cao.

Để khắc phục những yếu kém nội tại của nền kinh tế, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp chiến lược nhằm đi đến những kết quả khả quan trong nửa cuối của kế hoạch phát triển KT-XH 2011-2015. Chủ trương đổi mới tư duy quản lý kinh tế hướng tới đề cao trách nhiệm cá nhân đã được đề xuất như một giải pháp hữu hiệu nhằm hướng tới một môi trường minh bạch hiệu quả. Một số ý kiến cho rằng, việc giảm mạnh các loại thuế, phí cho người dân, DN, dỡ bỏ các rào cản thương mại, ưu đãi thuế cho cá nhân và DN đầu tư vào khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và đào tạo nghề sẽ tạo ra động lực giúp kinh tế nước ta thoát khỏi sự trì trệ hiện nay…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nửa chặng đường phát triển KT-XH 2011-2015: Nhìn lại để đi tới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.