Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản xuất vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm tại Việt Nam: Bao giờ chủ động?

Ngọc Quỳnh| 25/09/2013 05:47

LTS: Tiêm vắc xin để bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm là vấn đề vô cùng quan trọng trong sự tồn tại, phát triển của ngành chăn nuôi.

LTS: Tiêm vắc xin để bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) là vấn đề vô cùng quan trọng trong sự tồn tại, phát triển của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện cả nước chỉ mới có vài cơ sở sản xuất được vắc xin thông thường, nhưng phần lớn hoạt động theo công nghệ cũ, lạc hậu nên chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường. Giải pháp nào giải bài toán lệ thuộc vào vắc xin nước ngoài?

Bài 1: Bài toán nan giải

Hiện nay, hầu hết các loại vắc xin dùng cho phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) mà các trang trại (TT) chăn nuôi đang sử dụng đều là sản phẩm sản xuất ở nước ngoài. Các DN và cơ quan trong nước đã nghiên cứu, nhưng do hạn chế về công nghệ nên chưa có nhiều sản phẩm được đưa vào sản xuất. Sự kết hợp giữa các nhà khoa học và nhà sản xuất lại chưa chặt chẽ, thiếu sự gắn kết nên kết quả nghiên cứu không có địa chỉ ứng dụng...

Tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm là việc làm hết sức cần thiết. Ảnh: Khánh Nguyên


90% nhu cầu vắc xin phải nhập khẩu

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tổng đàn lợn của nước ta là 26,7 triệu con, đàn gia cầm là 340 triệu con. Mỗi năm, cả nước có khoảng 200 nghìn con gia cầm và hơn 150 nghìn con gia súc mắc bệnh. Đặc biệt, đối với dịch cúm gia cầm, bắt đầu từ năm 2011 xuất hiện các nhánh virút mới với 3 nhóm (A, B, C) lưu hành trong cả nước, không chỉ làm cho công tác phòng chống dịch bệnh trở nên phức tạp mà còn khiến cho số lượng vắc xin hiện có bị giảm sút nghiêm trọng. Hiện việc quản lý và cung ứng vắc xin được thực hiện thông qua hai kênh chủ yếu là Nhà nước và các DN trong đó Nhà nước quản lý và chi phối việc cung ứng các loại vắc xin như cúm gia cầm và lở mồm long móng (LMLM) thông qua các chương trình quốc gia (năm 2009-2010, cả nước đã sử dụng 252 triệu liều vắc xin cúm A/H5N1 và năm 2011-2012 là 163 triệu liều vắc xin A/H5N1. Đối với vắc xin LMLM, trung bình mỗi năm sử dụng 7-8 triệu liều...).

Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thu Thủy, ngành sản xuất thuốc thú y ở Việt Nam bắt đầu vào những năm 90 của thế kỷ trước với 14 cơ sở, sản xuất 155 loại thuốc thông thường. Còn hiện nay, cả nước có tới 109 cơ sở sản xuất thuốc thú y với 4.945 sản phẩm, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thuốc dùng để phòng chống dịch bệnh GSGC. Tuy nhiên, hiện chỉ có 5 cơ sở đăng ký sản xuất vắc xin với số lượng là 86 loại, chiếm 5% so với tổng lượng vắc xin đang lưu hành và 1,7% so với tổng số sản phẩm thuốc thú y đăng ký sản xuất. Đối với nhập khẩu vắc xin, hiện đã có gần 2.000 sản phẩm của 209 công ty thuộc 36 nước trên thế giới được phép lưu hành tại Việt Nam, chủ yếu là vắc xin các loại bệnh nguy hiểm trên động vật như cúm gia cầm, LMLM, tai xanh với số lượng không ngừng tăng hàng năm (năm 2011, cả nước nhập 197 triệu liều vắc xin cúm gia cầm, năm 2012 là trên 300 triệu liều; LMLM năm 2011 nhập là 18 triệu liều, năm 2012 gần 20 triệu liều; tai xanh năm 2011 là 7,4 triệu liều, năm 2012 là trên 10 triệu liều…). Việc không chủ động được nguồn cung cấp, phụ thuộc vào nhập khẩu là khó khăn lớn, trường hợp nguồn vắc xin cung cấp bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng ngay đến kế hoạch tiêm phòng và việc miễn dịch toàn đàn. "Nếu như thời điểm đó đang bùng phát dịch sẽ khó khăn trong việc tìm vắc xin thay thế phù hợp khi chủng virút gây bệnh có biến đổi. Mặt khác, việc phân bố các chủng virút gây bệnh ở mỗi địa phương khác nhau nên không dễ dàng tìm kiếm một loại vắc xin phù hợp với toàn quốc, trong khi giá thành sản phẩm thay đổi theo tỷ giá ngoại tệ" - bà Thủy cho hay.

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Văn Cảm - Phó Giám đốc Trung tâm Thú y cộng đồng cho biết, chăn nuôi gà công nghiệp ở nước ta phải dùng vắc xin nhược độc đông khô phòng một lúc nhiều bệnh nhưng hiện tại ở Việt Nam chưa sản xuất được vắc xin loại này để phòng một lúc 2, 3, 4 hoặc 5 bệnh của gà. Do phải nhập khẩu nên giá thường đắt hơn so với các nước 20-30% và lợi dụng việc này, các công ty nước ngoài thường "bóp" các DN nhập khẩu trong nước về giá. Chẳng hạn như có thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát, Công ty Navetco nhập khẩu vắc xin cúm gia cầm của một DN Trung Quốc, do độc quyền phân phối về loại vắc xin này mang chủng biến thể mới A/H5N1-R6 nên bị DN đẩy giá lên cao khoảng 5-6 tỷ đồng/lô hàng so với các nước cùng sản xuất loại vắc xin này... Còn theo Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Phú Xuyên Phùng Văn Tảo, toàn huyện có tổng đàn gia cầm là 1,3 triệu con, đàn lợn 8.000 con, đàn trâu bò 3.500 con. Trung bình một năm chỉ sử dụng vắc xin để tiêm phòng dịch bệnh đã phải cần đến 2,5-3 triệu liều vắc xin cúm, 120.000 liều vắc xin cho đàn lợn, 6.000 liều vắc xin LMLM, tụ huyết trùng cho đàn trâu bò. Tuy nhiên, các loại vắc xin quan trọng như cúm gia cầm, LMLM, tai xanh đều phải nhập từ các công ty của Trung Quốc, Tây Ban Nha...

Lao đao vì giá

Theo ý kiến của đại diện các TT chăn nuôi, do phải phụ thuộc vào nguồn vắc xin của nước ngoài nên hầu như các TT không thể chủ động được. Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long (Thanh Oai) Hoàng Trọng Long cho biết, với quy mô 4.000 con lợn (bao gồm cả lợn nái và lợn bột), trung bình một chu kỳ để nuôi một con lợn từ lợn giống thành lợn thương phẩm, TT phải tiêm 5-6 lần vắc xin, với giá khoảng 200-250 nghìn đồng/con. Do đó, để bảo vệ đàn lợn bằng việc tiêm phòng, mỗi năm TT đã phải chi hàng tỷ đồng cho việc mua vắc xin. Nhưng do DN nước ngoài độc quyền phân phối nên giá vắc xin trong nước hiện đang cao gấp 3 lần tại nước sản xuất, có thời điểm cao tới 5 lần. Chẳng hạn như mua một lọ vắc xin tai xanh của Tây Ban Nha với giá đang bán trên thị trường Việt Nam là 60.000 đồng/lọ thì ở nước sản xuất chỉ vào khoảng 20.000 đồng/lọ. Do bị lệ thuộc nên có những thời điểm dịch bệnh bùng phát không thể mua được đủ lượng vắc xin để tiêm phòng, các TT chăn nuôi phải "ăn đong" theo nhà nhập khẩu. Chưa kể, công tác bảo quản cũng đang là vấn đề nan giải vì các TT chăn nuôi chỉ biết mua vắc xin về tiêm cho đàn vật nuôi, mà không có trang thiết bị để xét nghiệm, đánh giá xem sản phẩm đó có bảo đảm chất lượng hay không. Thực tế đã chứng minh, mặc dù đã được khuyến cáo tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi nhưng thời gian qua nhiều nơi vẫn xảy ra dịch bệnh, phải chăng là do nguồn vắc xin không bảo đảm chất lượng?

Ông Nguyễn Văn Hải, chủ TT chăn nuôi ở Chương Mỹ cho biết, TT đang nuôi khoảng 5 vạn con gà đẻ nên thường xuyên tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm để không xảy ra dịch bệnh. Mặc dù, hiện trong nước đã bắt đầu sản xuất được vắc xin cúm của Công ty Navetco, nhưng do số lượng không nhiều và đặc biệt năm 2012 với sự biến đổi của chủng virút cúm gia cầm, nên TT vẫn phải mua vắc xin nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc với giá rất cao do phù hợp với đàn vật nuôi. Thế nhưng, mặc dù hiện giá trứng gia cầm bắt đầu nhích lên nhưng các loại chi phí đầu vào đều tăng, trong đó vắc xin tăng 10-20% so với thời điểm đầu năm cũng lại là khó khăn lớn. Chưa kể, dự báo, khi các hộ chăn nuôi sau một thời gian thua lỗ kéo dài, khi giá sản phẩm bắt đầu tăng lại đổ xô vào nuôi để phục vụ thị trường cuối năm, sẽ kéo theo giá vắc xin thời gian tới tăng thêm nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm tại Việt Nam: Bao giờ chủ động?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.