Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch XD thủy điện: Vấn đề “nóng” là hài hòa lợi ích

Hương Ly| 14/11/2013 05:46

(HNM) - Hơn 6.000 hộ dân với khoảng 300.000 nhân khẩu phải di dời đến nơi ở mới, 133.913ha đất nông nghiệp và gần 20.000ha rừng bị tác động là những số liệu về mức độ ảnh hưởng khi xây dựng các dự án thủy điện.



Theo phản ánh của các ĐBQH tại phiên thảo luận hội trường chiều 13-11, với nhiều dự án thủy điện, chủ đầu tư chỉ coi trọng mục đích kinh tế, không thực hiện nghiêm quy định về trồng rừng thay thế. Chính sách di dân, tái định cư tại các dự án thủy điện chưa thỏa đáng kèm theo việc thiếu đất canh tác tại nơi ở mới đã làm nảy sinh tình trạng nghèo đói với người dân hiến đất xây thủy điện.

Phát triển thủy điện phải dựa trên cơ sở hài hòa lợi ích. Ảnh: Hoàng Hải


Dân nhường đất làm thủy điện chờ suốt 40 năm vẫn không được dùng điện

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của QH về việc rà soát, quy hoạch đầu tư các dự án thủy điện, cả nước hiện có 815 dự án, công trình thủy điện. Dựa trên các tiêu chí xem xét, rà soát quy hoạch, đã loại bỏ 424 dự án; không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng; tạm dừng có thời hạn 136 dự án và tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Tuy nhiên, theo phản ánh của các ĐBQH, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập xung quanh việc xây dựng các công trình thủy điện. ĐB Danh Út (Đoàn Kiên Giang) cho biết, để phục vụ việc xây dựng các công trình thủy điện, hơn 6.000 hộ dân, hơn 300.000 nhân khẩu đã phải di dời đến nơi ở mới. Các dự án thủy điện cũng đã làm ảnh hưởng tới 133.913ha đất nông nghiệp và gần 20.000ha rừng, khiến đời sống của người dân bị xáo trộn. Thế nhưng, theo phản ánh của cử tri, sau khi chuyển đến nơi ở mới, có nơi chỉ định cư, không định canh được và ngược lại. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng nghèo đói và di dân tự do. ĐB đề nghị, bên cạnh nghiên cứu một chính sách hỗ trợ di dân tại các dự án thủy điện, cần xử lý nghiêm những đơn vị làm thủy điện chưa tốt gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. ĐB Nguyễn Công Bình (Đoàn Yên Bái) cũng cho rằng, sự phát triển tràn lan các dự án thủy điện là vấn đề đáng ngại. "Cần đánh giá cụ thể xem mảnh đất mới giao cho người dân có bảo đảm được đời sống không, nơi ở mới có nước, có điện không? Ở tỉnh Yên Bái, khi xây công trình thủy điện, hơn 4 vạn dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số đã phải dời đi, nhường 2 vạn héc ta đất xây thủy điện. Thế nhưng 40 năm rồi, người dân vẫn chưa có điện.

ĐB Nguyễn Thái Học (Đoàn Phú Yên) nêu ý kiến, qua khảo sát cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở các dự án thủy điện tái định cư là hơn 66%, cao gấp 3 lần cả nước. Nguyên nhân nghèo đói là do thiếu quỹ đất, không tổ chức đào tạo nghề, người dân phải lo cái ăn hằng ngày. "Công trình thủy điện góp phần quan trọng phát triển KT-XH nhưng nhiều chủ đầu tư không tuân thủ đúng quy định nên lợi nhuận chỉ thuộc về một nhóm người. Tôi đề nghị cần sớm khắc phục sự mất công bằng giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương và những người dân đã nhường đất phục vụ các dự án thủy điện".

Tái trồng rừng "hậu" thủy điện chỉ đạt 3,7%

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2012, cả nước có 160 dự án thuộc 29 tỉnh, thành phố thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện với diện tích 19.792ha. Thế nhưng đến nay, mới trồng thay thế được 735ha, chỉ đạt 3,7% tổng diện tích theo yêu cầu. Nguyên nhân là do nhiều địa phương không có quỹ đất quy hoạch hoặc đất không phù hợp để trồng rừng thay thế, thêm nữa trách nhiệm của địa phương và chủ đầu tư dự án thủy điện trong việc bố trí quỹ đất, chi phí trồng rừng thay thế trong tổng mức đầu tư cũng chưa được xác định rõ. Trong khi đó, các ngành chức năng chưa có hướng dẫn kịp thời về việc bố trí trồng rừng tại địa phương khác hoặc nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng số nợ đọng phí dịch vụ môi trường rừng của các nhà máy thủy điện khoảng 300 tỷ đồng (tính từ năm 2010 đến năm 2013) với lý do khó khăn về tài chính.

Về vấn đề này, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng, tình trạng nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện đã dẫn đến việc nhiều dự án thủy điện bị loại bỏ. Cần thực hiện nghiêm quy định trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện, nếu không sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến vùng hạ du và vô tình tạo cơ hội cho một số người triệt phá rừng đầu nguồn. Tại một số dự án thủy điện, các chủ đầu tư mới chỉ coi trọng các chỉ tiêu kỹ thuật, kinh tế nhưng lại xem nhẹ vấn đề môi trường. Hậu quả là người dân hạ lưu mùa khô thì thiếu nước canh tác, mùa mưa thì lo lũ, lụt.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định qua ý kiến của 21 đại biểu QH của 20 tỉnh, thành phố về kết quả rà soát quy hoạch thủy điện và trách nhiệm quản lý nhà nước; công tác quản lý chất lượng, an toàn xây dựng và vận hành hồ chứa, công trình thủy điện; trồng rừng thay thế và thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng; bảo vệ môi trường đối với dự án, công trình thủy điện; bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư các dự án, công trình thủy điện… các cơ quan chức năng cần tiếp thu để làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng:
Quy hoạch thủy điện nhỏ có trách nhiệm của địa phương

Quy hoạch thủy điện mang tính đặc thù dựa trên tiềm năng lợi thế nước ta về hệ thống sông ngòi. Từ năm 2006 trở về trước, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch các dự án thủy điện bậc thang trên các sông, Bộ Công nghiệp quy hoạch thủy điện vừa nhỏ. Từ năm 2006 trở lại đây, thủy điện nhỏ do địa phương phê duyệt, chỉ tham khảo ý kiến bộ, ngành. Việc quy hoạch thủy điện nhỏ có cả trách nhiệm của địa phương chứ không chỉ nói về trách nhiệm của Chính phủ hay các bộ, ngành. Riêng cơ chế di dân tái định cư tại các dự án thủy điện, Chính phủ đã chỉ đạo trước khi khởi công phải được phê duyệt thì mới thực hiện để bảo đảm quyền lợi của người dân.

Khánh Lyghi
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch XD thủy điện: Vấn đề “nóng” là hài hòa lợi ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.