Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có tỉnh chỉ có 1 thanh tra về nông nghiệp

Thủy Hương| 19/11/2013 16:01

(HNMO) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, hiện bình quân cả nước, 1 sở có 8-9 thanh tra về nông nghiệp nhưng có nơi chỉ có 1 thanh tra.


Chiều ngày 19/11, Quốc hội đã chuyển sang phần chất vấn. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát là người mở đầu cho phần này.

Trả lời thắc mắc của đại biểu đoàn Quảng Ninh và đoàn Bạc Liêu về việc quản lý vật tư nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, thực ăn chăn nuôi, các loại phân bón, thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng… lỏng lẻo gây thiệt hại cho người nông dân và gây lo ngại đến sức khỏe của người tiêu dùng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, Bộ NN-PTNT được Chính phủ phân công quản lý toàn diện chất lượng thuốc BVTV, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, quản lý đăng ký các loại phân bón sử dụng tại Việt Nam, không quản lý sản xuất kinh doanh phân bón vô cơ.

Bộ trưởng thừa nhận, qua kiểm tra của hệ thống cũng thấy rằng trên thị trường đang lưu hành số lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú ý, thức ăn chăn nuôi có chất lượng kém, thậm chí có loại làm giả, buôn lậu ngoài danh mục, vì vậy vài năm trở lại đây ngành NN-PTNN xác định trong toàn ngành quản lý chất lượng, đảm bảo vệ sinh thực phẩm là trách nhiệm số 1. Thế nên đích thân bộ trưởng, trong trường hợp đặc biệt thì ủy quyền thứ trưởng, họp giao ban về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm để kiểm điểm và đôn đốc thực hiện. Nỗ lực mấy năm nay của ngành đã có chuyển biến nhưng chưa như mong đợi của nhân dân.

Theo người đứng đầu Bộ NN-PTNN, để tình hình trên chuyển biến mạnh mẽ hơn, giải pháp là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trên cơ sở các luật pháp đã ban hành; tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn; chấn chỉnh bộ máy về quản lý chất lượng vật tư và thanh kiểm tra trên cả nước trên cơ sở luật pháp hiện hành. Về bộ máy quản lý chất lượng vật tư, thông tin mà Bộ trưởng đưa ra đáng lưu ý là hiện ở một số địa phương thanh tra sở NN-PTNT rất yếu, chẳng hạn Sở Nông nghiệp Bắc Cạn chỉ có 1 người làm thanh tra, Bắc Giang có 2 người mà bình quân cả nước 1 tỉnh có 8-9 người trong khi công việc lại nhiều. Nguyên nhân là do theo luật hiện nay chỉ công chức mới được thanh tra trong khi hệ thống thú y chủ yếu là viên chức.

Biện pháp tiếp theo là tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra siết chặt ở biên giới, trong nước thống kê cơ sở kinh doanh để phân loại xác định trọng tâm trọng điểm để liên tục kiểm tra và xử lý những vi phạm. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nhân dân hỗ trợ, đấu tranh và nhân dân biết lựa chọn sử dụng sản phẩm đảm bảo.

Trả lời nguyên nhân yếu kém của ngành Nông nghiệp mà đại biểu Nguyễn Văn Tuyết đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu hỏi, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, có nguyên nhân khách quan nhưng có nhiều nguyên nhân chủ quan. Về chủ quan , trước hết là do hệ thống cơ chế chính sách được ban hành nhiều nhưng vẫn còn một số văn bản điều chỉnh và ban hành chưa kịp thời, đặc biệt việc thực hiện cơ chế chính sách ở các địa phương chưa chặt chẽ. Nhưng chính là công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ NN-PTNT và hệ thống các cơ quan quản lý NN ở các cấp, đương nhiên phải có sự phối hợp với các bộ ngành liên quan.

Sẽ có giống lúa năng suất đạt giá trị 800 USD/tấn

Trước chất vấn của Đại biểu Quốc hội về chính sách tạm trữ lúa gạo, hỗ trợ nông dân sản xuất, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, tạm trữ lúa gạo là giải pháp tình thế. “Không phải năm nào cũng dùng giải pháp này, chỉ khi giá gạo xuống thấp, nông dân không được lãi 30% mục tiêu đề ra thì Chính phủ mới thực hiện tạm trữ”. Theo Bộ trưởng, giải pháp này đã thực hiện và tương đối thành công, đặc biệt là vụ hè thu vừa qua, ngăn chặn được giảm giá, làm tăng giá trở lại có lúc lên 800 đồng/kg. Tuy nhiên, “chúng tôi nhất trí cần suy nghĩ và triển khai đồng bộ để xây dựng ngành lúa gạo bền vững hiệu quả, thật sự phát huy lợi thế”-Bộ trưởng nói.

Vì thế, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng phải triển khai xây dựng giải pháp đồng bộ, trong đó có việc rà soát qui hoạch vùng trồng lúa. “Chúng ta có lợi thế về lúa nước nhưng không có nghĩa trồng lúa ở mọi nơi mà nên tập trung vào vùng ĐBSCL, Sông Hồng. Còn những vùng ven đất cát, miền Trung, phải bơm nước thì không nên. Nên tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi. Thủ tướng đã ký ban hành hướng dẫn nhân dân chuyển đổi đất lúa”- Bộ trưởng nói tiếp. Đồng thời, ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là về giống. Những năm qua, Bộ đã giúp dân chọn 102 giống lúa được phổ biến. Nhưng theo Bộ trưởng, con số trên hiện là quá nhiều. “ĐBSCL cần ít giống hơn, có năng suất cao và ổn định. Tôi đã đặt các viện nghiên cứu những giống lúa có giá trị cao, năng suất ổn định, có độ bền vững,có loại giá trị 800 USD/tấn”- Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Cùng với đó, phải tiếp tục hỗ trợ nông dân ứng dụng cơ giới hóa, bảo quản và chế biến; thúc đẩy hệ thống kinh doanh lúa gạo bền vững có khả năng cạnh tranh; đồng thời tổ chức lại sản xuất, đã đến lúc liên kết nông dân và nông dân, nông dân và hợp tác xã, nông dân với doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có tỉnh chỉ có 1 thanh tra về nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.