Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch vụ logistics: Thua ngay trên sân nhà

Hà Tuấn| 27/11/2013 06:31

(HNM) - Theo thống kê, 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đều vận chuyển bằng đường biển.

Doanh nghiệp logistics Việt Nam chỉ khai thác được 18% tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.


Đầu tư chưa đúng mức

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, khoảng 1.000 DN trong nước đã để cho 25 DN logistics đa quốc gia chiếm trên 70% thị phần logistics của Việt Nam. Nguyên nhân, theo ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), đa số DN trong nước làm dịch vụ này đều có quy mô nhỏ và vừa, vốn điều lệ bình quân khoảng 4 đến 6 tỷ đồng và nguồn nhân lực đào tạo bài bản chuyên ngành này còn rất thấp, khoảng 5%-7%. Các DN cung cấp dịch vụ logistics nước ta chủ yếu làm đại lý, hoặc đảm nhận từng công đoạn như nhà thầu phụ trong dây chuyền logistics cho các nhà cung cấp quốc tế..

Bên cạnh yếu kém của các DN, một trong những nguyên nhân căn bản làm giảm hoạt động ngành logistics chính là hạ tầng giao thông. Ông Lê Xuân Sang, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho hay, khoảng 70% tổng lượng hàng hóa của cả nước tập trung tại TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng hệ thống cảng ở khu vực này đều nằm trong các cửa sông xa biển, với luồng sông nông và không ổn định, gây tắc nghẽn trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Mặt khác, theo đại diện cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), phần lớn các cảng biển trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hoạt động đã lâu, xuống cấp trầm trọng, thiết bị máy móc lạc hậu… đã làm giảm năng suất và chất lượng dịch vụ cảng biển. " 15 năm qua, mức tăng trưởng đầu tư hạ tầng giao thông cho dịch vụ này chỉ ở mức… 0%, dẫn tới thực trạng trên. Hiện thành phố đang thực hiện dự án nạo vét luồng sông Soài Rạp giai đoạn 2, dự kiến giữa năm 2014 sẽ hoàn thành. Khi đó, luồng tàu trên sông Soài Rạp sẽ có độ sâu khoảng 9,5m cho tàu biển từ 30.000 đến 50.000 tấn lưu thông và cùng với cảng Hiệp Phước, thành phố có thể nâng cao được hoạt động vận tải biển". Đại diện cảng Hiệp Phước nói.

Một nguyên nhân nữa, theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương, hạn chế lớn nhất đối với phát triển dịch vụ logistics chính là thủ tục hành chính. Cụ thể, khung pháp lý về logistics còn rất phức tạp và thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Thủ tục hành chính chậm trễ, sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý cũng như văn bản luật đã làm giảm hiệu quả trong hoạt động ngành logistics.

Thiếu liên kết

"Chi phí dịch vụ hậu cần tại Việt Nam đang quá cao so với các nước trên thế giới, chiếm khoảng 25% GDP cả nước. Điều này đã dẫn đến sự lãng phí nhiều nguồn lực trong nước, làm khổ DN và kìm hãm xuất khẩu" - Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, khẳng định. Minh chứng cụ thể, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen (tỉnh Bình Dương) cho hay, hiện Tập đoàn cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động giao nhận hàng hóa, bởi ngoài việc vận chuyển vòng vèo gây tốn kém thì chi phí nâng hạ cũng là gánh nặng cho DN. Đơn cử, nếu muốn đóng hàng trực tiếp tại cảng Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), DN phải kéo container rỗng từ TP Hồ Chí Minh xuống. Đây là sự lãng phí vô cùng lớn. "Từ thực tế này, để giảm chi phí dịch vụ logistics, Nhà nước cần định hướng quy hoạch các khu công nghiệp gần cảng để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách điều phối hoạt động của các hãng tàu để triển khai hoạt động tại nhiều cảng khác nhau nhằm khai thác triệt để công suất" - ông Vũ kiến nghị.

Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để giải được bài toán liên quan đến hoạt động logistics trong bối cảnh hiện nay, phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ lập và duyệt các quy hoạch, bao gồm quy hoạch sản xuất đến mạng lưới giao thông cũng như hệ thống cảng biển, cảng sông; nâng cao năng suất kho bãi và điểm trung chuyển, hệ thống thông tin, viễn thông đến quy hoạch xây dựng hệ thống kho dự trữ, chế biến, kho ngoại quan và các dịch vụ liên quan đến hàng XNK gắn với phương thức vận chuyển.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, Chính phủ cũng đã đề xuất giảm chi phí logistics đến năm 2015 chỉ còn 10%-15%, đồng thời có những chính sách phát triển hệ thống hạ tầng giao thông một cách đồng bộ. Tuy nhiên, bên cạnh giải pháp của Nhà nước, các DN xuất nhập khẩu và logistics trong nước cũng cần có sự liên kết nhằm tạo thành các chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ logistics: Thua ngay trên sân nhà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.