Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại lý bảo hiểm trục lợi, khách hàng chịu thiệt

Hương Ly| 17/12/2013 07:13

(HNM) - Theo thống kê, 90% đại lý bảo hiểm (ĐLBH) chỉ hoạt động bán thời gian và tỷ lệ đại lý bỏ việc, trục lợi khá cao.



Trên thực tế, nhiều vụ lừa đảo giá trị lớn do các ĐLBH thực hiện đã gây ra những thiệt hại lớn về tài chính của khách hàng, làm tổn hại tới uy tín của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH). Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới thực trạng này là các DNBH chưa tuân thủ quy trình kiểm tra đại lý định kỳ.

Muôn kiểu trục lợi

Trung tuần tháng 10 năm 2013, Bùi Thị Thu Hằng, nguyên là đại lý của hãng bảo hiểm (BH) Prudential, chi nhánh Quảng Ninh, đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh tuyên án phạt tù chung thân vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Bùi Thị Thu Hằng phải bồi thường số tiền 211 tỷ đồng; các bị cáo khác cũng bị buộc bồi thường tiền cho bị hại từ vài trăm triệu đồng đến hơn 3 tỷ đồng. Bản án nêu rõ, khi trở thành đại lý BH, nhận thấy có cơ hội kiếm tiền bất chính, từ tháng 4-2010, Hằng đã giả mạo là Trưởng phòng Kinh doanh, sau đó giả làm Giám đốc văn phòng Phát triển kinh doanh khu vực Quảng Ninh của Prudential để tổ chức bán gói BH "Phú an khang Hưu trí" với mức phí khoảng 100 triệu đồng. Mỗi tháng, người mua được nhận lương chuyển vào tài khoản cá nhân 4-5,5 triệu đồng. Tiếp đến, Hằng lại chào bán "Hợp đồng VIP" hay còn gọi là gói "Bảo hiểm VIP", có thời hạn 90 ngày với lãi suất lên tới 50-53%. Hàng loạt khách hàng đã bị Hằng và đồng bọn lừa đảo hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng. DNBH bị lợi dụng cũng bị tổn hại lớn đến uy tín.

Tại hội thảo "Phát triển bền vững - Lựa chọn nào cho DNBH" do Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) phối hợp với Công ty TNHH E&Y Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, đại diện một số DN cho rằng, tình trạng trục lợi BH diễn ra ngày càng tinh vi. Có nhiều vụ việc, DNBH đành "ngậm bồ hòn", chấp nhận giải quyết bồi thường, dù biết đây là trường hợp đại lý câu kết với khách hàng gian lận BH, song không có đủ bằng chứng. Một số ĐLBH nhân thọ có tỷ lệ hủy hợp đồng lên đến 90% do đại lý đã câu kết với người quen để ký hợp đồng, hưởng hoa hồng cao, sau thời điểm hợp đồng có thể lấy đủ phí thì rút toàn bộ phí BH. Sau khi DN điều tra mới biết đây là hành vi gian lận của ĐLBH nhằm trục lợi tiền hoa hồng. Ngoài ra, còn có tình trạng ĐLBH cấu kết với khách hàng bán BH dù biết khách hàng đang bệnh nặng, nhưng lại không kê khai đúng tình trạng bệnh. Một số ĐLBH bán BH xe ô tô sau thời điểm xe bị tai nạn, hỏng hóc nặng rồi lại giúp khách hàng hợp thức hóa hồ sơ, yêu cầu bồi thường để trục lợi...

Cẩn trọng khi ký kết hợp đồng

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội BH Việt Nam, cho rằng theo Luật Kinh doanh BH, 21 ngày sau ký hợp đồng BH, nếu cảm thấy vướng mắc, khách hàng có quyền từ bỏ hợp đồng, DN sẽ hoàn trả toàn bộ tiền phí đã nộp cho khách. Bởi vậy, dù hợp đồng BH đã ký song khách hàng vẫn nên nhờ tư vấn xác định xem hợp đồng có sơ hở không, khả năng tài chính có bảo đảm không. Nếu chưa thực sự an tâm, khách hàng có thể từ bỏ hợp đồng và được luật pháp bảo vệ. Riêng với hành vi nhân danh ĐLBH để lừa đảo, thường rơi vào trường hợp các ĐLBH đã thôi việc. Với những đại lý đang hoạt động, họ phải tuân thủ sự giám sát nên khó có thể lừa đảo được. Tuy nhiên, khi không may gặp trường hợp lừa đảo, khách hàng phải kiểm tra thẻ của ĐLBH, mã số đại lý và có thể gọi điện tới văn phòng tổng đại lý để xác thực thông tin.

Ông Jack Jia, Giám đốc bộ phận tư vấn bảo hiểm, Công ty E&Y Hồng Kông cho rằng, để giảm thiểu tình trạng trục lợi, DNBH cần giám sát, kiểm tra đại lý và các hợp đồng do đại lý thực hiện định kỳ để sàng lọc các đại lý có độ rủi ro cao. Nên chú ý tới những ĐLBH chỉ tập trung bán một số sản phẩm nhất định, hoặc chỉ bán tập trung vào một số khách hàng. Việc quản lý rủi ro, ngăn chặn trục lợi có thể được tiến hành hiệu quả thông qua kỹ thuật phân tích dữ liệu đại lý, khách hàng và sản phẩm định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện những dấu hiệu bất thường. DNBH nên khuyến khích và yêu cầu khách hàng đóng phí BH qua ngân hàng, nhất là đối với những hợp đồng giá trị lớn. Nên xây dựng hệ thống quản lý ĐLBH và khách hàng nằm trong danh sách "đen", qua đó góp phần làm lành mạnh hóa thị trường BH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại lý bảo hiểm trục lợi, khách hàng chịu thiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.