Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá các mặt hàng thiết yếu: Sẽ được điều chỉnh

Hương Ly| 10/02/2014 06:37

(HNM) - Hơn 1.000 tỷ đồng là số tiền bình ổn giá mà các địa phương đã cho các DN vay và hỗ trợ lãi suất nhằm thực hiện chương trình bình ổn thị trường, giá cả trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.



Bên cạnh việc quyết liệt thực hiện kiềm chế giá thị trường ngay từ những ngày đầu năm mới, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, trong năm nay sẽ thực hiện lộ trình giá thị trường với nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như xăng, dầu, điện, viện phí, học phí.

Xăng dầu là một trong những mặt hàng sẽ được điều hành giá trong năm 2014. Ảnh: Nhật Nam


Giữ ổn định thị trường

Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 1-2014, nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã ban hành các văn bản nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Ngoài lượng hàng dự trữ với số kinh phí được hỗ trợ, lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết trên cả nước ước đạt 180-200 nghìn tỷ đồng. Thực hiện chương trình bình ổn thị trường, giá cả trong dịp Tết Giáp Ngọ, 39 địa phương sử dụng các nguồn: Ngân sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính, cho DN vay và hỗ trợ lãi suất với tổng kinh phí 1.095,5 tỷ đồng.

Chương trình bình ổn thị trường Tết Giáp Ngọ đã có nhiều điểm mới như đẩy mạnh xã hội hóa, vận động các DN trên địa bàn tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp Tết với nguồn vốn và hàng hóa tự có của DN. Riêng TP Hồ Chí Minh đã không dùng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mà tổ chức kết nối DN có nhu cầu về vốn với các tổ chức tín dụng để vay với lãi suất ưu đãi; tập trung bình ổn giá từ sản xuất, hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất, vận chuyển. Các tỉnh, thành phố khác cũng tiếp tục chú trọng tổ chức hệ thống phân phối với gần 8.600 chợ, 700 siêu thị và 125 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện ích nhằm đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, nhất là hàng bình ổn giá.

Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo của các địa phương, thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua khá dồi dào về số lượng, giá cả các nhóm hàng cơ bản ổn định. Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính sau 5 ngày Tết cho thấy, trên địa bàn cả nước không xảy hiện tượng thiếu hàng, sốt giá. Sức mua trên thị trường Tết Giáp Ngọ 2014 cũng thấp hơn so với Tết Quý Tỵ 2013, chỉ tăng 15-20% so ngày thường tại các đô thị lớn, 10-15% tại nông thôn. Hàng hóa bán trên thị trường cơ bản được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Hàng sản xuất trong nước tiếp tục chiếm lĩnh được thị trường. Nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc chương trình bình ổn giá bình ổn bán thấp hơn giá thị trường 5-10%. Thậm chí, nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh còn thực hiện các chương trình giảm giá: Gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, đồ dùng gia đình... Về cơ bản, giá hàng hóa sau Tết vẫn giữ bình ổn, chỉ một số hàng hóa, dịch vụ tăng cao như phí trông giữ ô tô, xe máy tại các đền, chùa tăng 40-100%, bún phở tăng 40% so ngày thường…

Góp phần kiềm chế lạm phát

Về công tác điều hành giá năm 2014, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, năm nay sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh việc triển khai có hiệu quả Luật Giá và các văn bản dưới luật trong phạm vi cả nước sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường, khuyến khích cạnh tranh về giá, áp dụng các biện pháp khuyến mãi, giảm giá theo quy định của pháp luật đối với đại bộ phận hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế. Bộ Tài chính sẽ kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước điều hành, giao kế hoạch, hàng hóa dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, hàng dự trữ quốc gia… qua đó góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát xoay quanh mức 7%. Đặc biệt, Bộ sẽ thực hiện công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận.

Công tác điều hành giá các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong năm nay sẽ thực hiện lộ trình giá thị trường. Đối với giá xăng dầu, hướng điều hành giá là kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua việc sử dụng linh hoạt công cụ thuế, trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá. Bên cạnh đó, sẽ chú trọng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, tổ chức tốt khâu nhập khẩu và cung ứng xăng dầu, bảo đảm không để thiếu nguồn, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây tình trạng bất ổn cho thị trường trong nước. Đối với giá điện, việc điều chỉnh giá được thực hiện theo từng bước, có lộ trình với nguyên tắc có kiềm chế, có tính đến điều kiện kinh tế - xã hội tại thời điểm điều chỉnh và phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, hạn chế tác động đến sản xuất và đời sống xã hội. Với giá lúa gạo, Bộ Tài chính tổng hợp, kịp thời công bố giá thành sản xuất lúa kế hoạch và mua thóc định hướng để các cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp, cá nhân mua lúa với giá định hướng, bảo đảm mức lãi tối thiểu cho người sản xuất lúa.

Về lộ trình thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KBCB), trong năm 2014 giá dịch vụ KBCB được tính trên cơ sở các chi phí trực tiếp gồm tiền thuốc, dịch truyền, máu, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, tiền điện, nước, duy tu, bảo dưỡng thiết bị... Với giá dịch vụ giáo dục (học phí), sẽ thực hiện lộ trình tăng học phí năm học 2014-2015, từng bước điều chỉnh học phí tại các bậc mẫu giáo, phổ thông cơ sở, học nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá các mặt hàng thiết yếu: Sẽ được điều chỉnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.