Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giày dép Việt Nam vẫn lép vế trên “sân nhà”

Thanh Hiền| 12/02/2014 07:19

(HNM) - Việt Nam hiện là một trong 5 nước sản xuất giày lớn nhất thế giới. Tại một số thị trường như Hoa Kỳ, EU, Việt Nam đang có kim ngạch xuất khẩu (XK) lớn thứ hai sau Trung Quốc. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước ngành da giày hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu.

Với dân số hơn 90 triệu người, tổng dung lượng thị trường giày dép khoảng 130-140 triệu đôi/năm, trị giá khoảng 1,5 tỷ USD, thị trường nội địa là tiềm năng lớn đối với ngành da giày. Tuy nhiên, ở cả 3 phân khúc thị trường thấp, trung và cao cấp, giày dép trong nước đều lép vế so với hàng ngoại nhập. Ở phân khúc cao cấp, thị trường đang thuộc về các thương hiệu đến từ Mỹ, EU... Ở phân khúc trung bình và thấp, sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng 70-75 triệu đôi giày dép, chiếm tỷ trọng khoảng 55%, chủ yếu do các cơ sở nhỏ sản xuất và giày dép dư thừa từ XK. Vài năm trở lại đây, những đôi giày xuất khẩu mang nhãn hiệu Nine West, Adidas, Dull, Converse… được bán ra thị trường với nhiều kiểu dáng đẹp, màu sắc phong phú, giá hợp lý, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty Giày Thượng Đình. Ảnh: Trí Minh



Hàng năm có khoảng 25-30 triệu đôi giày dép sản xuất và gần 10% sản lượng giày dép dư thừa từ XK được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Loại giày này được bán ở thị trường nội địa do đơn đặt hàng bị đối tác hủy vì lỗi sản xuất hoặc chậm thời hạn giao hàng. Khoảng 45% giày dép còn lại được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch và một ít từ Thái Lan, Malaysia, Singapore. Riêng hàng Trung Quốc với mức giá thấp hơn 3-4 lần hàng cùng loại của Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường, nhất là tại thị trường nông thôn. Mặc dù chất lượng không cao nhưng giày dép Trung Quốc lại dễ bán, vì mẫu mã sản phẩm đa dạng, nhất là giá rẻ do nhập lậu hoặc trốn thuế. Đặc biệt, với phương thức bán hàng trước, trả tiền sau, các DN Trung Quốc đã dễ dàng giành được nhiều mối hàng trong các chợ và shop. Điều này khiến nhiều DN sản xuất giày dép trong nước chuyên cung cấp hàng cho tiểu thương gặp khó khăn, ngày càng bị thu hẹp về quy mô sản xuất.

Một trong những nguyên nhân chính khiến mặt hàng giày dép trong nước yếu thế là sự yếu kém về khâu thiết kế mẫu mã, vốn là khâu tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho sản phẩm. Đây cũng là nguyên nhân khiến 70% số DN da giày trong nước chỉ dừng lại ở mức làm gia công cho nước ngoài. Bên cạnh đó, việc sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành da giày cũng chỉ đáp ứng rất ít nhu cầu của DN, tỷ lệ nội địa hóa chỉ chiếm khoảng 50%, trong khi nguyên phụ liệu chiếm 75% giá thành của sản phẩm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành sản phẩm, sức cạnh tranh và lợi nhuận của DN.

Để ngành da giày phát triển bền vững, trước hết phải tạo dựng được thương hiệu và giành lại thị phần ở thị trường nội địa. Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2020, kim ngạch XK của ngành phải đạt khoảng 16,5 tỷ USD, tỷ lệ nội địa hóa đạt 80%. Để đạt mục tiêu này, Hiệp hội Da giày Việt Nam đã kiến nghị Bộ Công thương xây dựng một thương hiệu của ngành công nghiệp thời trang, trong đó chú trọng nhất là khâu đào tạo lực lượng thiết kế tạo giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, ngành da giày từng bước điều chỉnh cơ cấu ngành hàng, đổi mới máy móc thiết bị, chú trọng sản xuất các sản phẩm trung, cao cấp; tập trung quản lý và thiết kế mẫu mã sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường trong, ngoài nước. Ngoài ra, DN nên khai thác lợi thế của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cho thị trường "nội" để sớm đưa ra nhiều sản phẩm thích ứng thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Về lâu dài, các DN da giày vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách phát triển bằng con đường XK, nhưng trước tiên cần nâng cao tính cạnh tranh từ "sân nhà" bằng hàng hóa chất lượng cao và giá thành phù hợp.

Với mức tiêu thụ bình quân tăng khoảng 8%/năm và tốc độ tăng dân số dự báo hơn 1,1% trong những năm tới thì lượng giày dép tiêu thụ tăng khoảng hơn 10 triệu đôi/năm. Như vậy, đến năm 2020, tiêu thụ giày dép tại thị trường trong nước dự báo tăng lên mức 355 triệu đôi. Do đó, thị trường nội địa sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho các DN sản xuất giày dép.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giày dép Việt Nam vẫn lép vế trên “sân nhà”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.