Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguồn vốn trong nước: Bài toán mở

Hồng Sơn| 14/02/2014 07:00

(HNM) - Chính phủ đã khẳng định, vốn đầu tư nước ngoài là quan trọng, nhưng vốn trong nước là quyết định.



Đây là quan điểm đúng đắn, thể hiện sự quyết tâm cũng như xác định rõ vai trò hàng đầu của nguồn vốn trong nước đối với việc phát triển kinh tế. Vấn đề đặt ra là có biện pháp hỗ trợ cũng như chính sách khơi thông, huy động tối đa nguồn nội lực trong năm 2014 và những năm tới…

Sản xuất tại Nhà máy Chế biến gỗ MDF (ván ép bột sợi) của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.


Trong tháng 1, thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 12.232 tỷ đồng, bằng 7% kế hoạch năm, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành để tăng đầu vào cho tăng trưởng, quyết tâm nâng cao mức tăng GDP ngay từ đầu năm. Đa số các bộ đều có mức giải ngân tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý là số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới đang thể hiện rõ xu hướng tăng lên. Như vậy, một nguồn lực lớn đang xuất hiện trở lại với thị trường, hứa hẹn sự bổ sung về đầu vào cho sản xuất, kinh doanh cũng như tạo việc làm và nguồn thu cho ngân sách trên từng địa bàn cụ thể. Thực tế cho thấy, tình hình sản xuất của cộng đồng DN đang "ấm" dần lên như dự đoán của các cơ quan chức năng. Dường như niềm tin thị trường đang quay lại với DN và là động thái quan trọng hàng đầu, hứa hẹn một sự biến chuyển rõ nét sau một năm khó khăn.

Hầu hết các địa phương, kể cả một số tỉnh không có thế mạnh, điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư cũng thu được kết quả đáng khích lệ về vốn đầu tư mới đăng ký. Đơn cử, đầu tháng 2, Khu công nghiệp Thạnh Lộc (tỉnh Kiên Giang) đã đón nhận 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 3.350 tỷ đồng, trong đó có Nhà máy Chế biến gỗ của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Đây là một trong những dự án trọng điểm trên địa bàn, có tổng vốn đầu tư tới hơn 1.400 tỷ đồng, với công suất 75.000m3 sản phẩm gỗ mỗi năm. Tiếp theo là việc khởi công các nhà máy: Bia Sài Gòn - Kiên Giang, Giày Kiên Giang và May Vinatex Kiên Giang. Hơn thế, tỉnh này đang hy vọng đón tiếp thêm nhiều nhà đầu tư nội đến khảo sát, tìm cơ hội đầu tư tại đảo Phú Quốc - vốn giàu tiềm năng và vừa được tiếp sức bằng sự kiện khánh thành đường điện lưới dẫn ra đảo. Kiên Giang mong đợi nguồn vốn nội đổ vào hàng loạt dự án, chủ yếu thuộc lĩnh vực du lịch, vận tải, chế biến hải sản, dịch vụ tổng hợp… Tương tự, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng cũng đang nỗ lực gọi đầu tư, nhằm hỗ trợ DN, khai thác tối đa nguồn lực trên địa bàn.

Theo Bộ Công thương, năm 2014 là thời điểm quan trọng để DN trong nước hồi phục, tạo đà tăng trưởng trong năm sau. Bộ đang hỗ trợ DN thúc đẩy sản xuất, trong đó tập trung vào mục tiêu xuất khẩu để tận dụng thời cơ mở rộng quy mô xuất hàng sang các thị trường trọng điểm dưới tác động tích cực từ các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký với các đối tác. Các chuyên gia khuyến khích DN nên chủ động xác lập phương án gia tăng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ ngay khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (có khả năng hoàn tất trong năm nay). Bên cạnh đó, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, địa phương kiên quyết thực hiện cải cách hành chính, bỏ những quy định bất hợp lý nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các quy định đến mức tối thiểu; tạo điều kiện tối đa cho DN hoàn tất nghĩa vụ thuế, hải quan. Đặc biệt, việc thông quan hàng hóa tự động dự kiến sẽ được áp dụng đại trà từ cuối quý I và khi đó thời gian giải quyết thủ tục được rút ngắn chỉ còn vài giây đối với một lô hàng. Thông tin ban đầu cho biết, nhiều DN đang tỏ rõ thái độ đồng thuận, hưởng ứng sự thay đổi có tính đột phá này.

Thực tế cho thấy, lượng vốn trong dân còn rất lớn, được tích tụ qua nhiều thế hệ và dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngoài ra, hằng năm lượng kiều hối chuyển về nước cũng đạt trung bình 8-10 tỷ USD, được đánh giá là nguồn lực rất đáng kể, lại được bổ sung đều đặn nhưng chưa được huy động và sử dụng có hiệu quả cao nhất đối với sự nghiệp phát triển KT-XH. Đây là bài toán mở, cần có câu trả lời thỏa đáng để vốn trong nước luôn làm tốt vai trò dẫn dắt, thể hiện tầm quan trọng là yếu tố quyết định vào quá trình tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Hy vọng, năm 2014 là thời điểm ra đời những cơ chế, chính sách phù hợp cho vấn đề này.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1 cả nước có khoảng 6.900 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 43,7 nghìn tỷ đồng, tăng 27,7% về số đơn vị và tăng 79,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, số DN tạm ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động là 2.400 đơn vị, tập trung chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm là vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn vốn trong nước: Bài toán mở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.