Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung: Việc cần thiết và cấp bách

Hương Ly| 18/02/2014 06:49

(HNM) - Ô tô, trang thiết bị làm việc và văn phòng phẩm sẽ là những đối tượng được áp dụng hình thức mua sắm tập trung nhằm tiết giảm chi phí cho ngân sách nhà nước.



Đây là một trong những nội dung quan trọng tại dự thảo hoàn thiện cơ chế mua sắm tài sản nhà nước (TSNN) theo phương thức tập trung, vừa được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), việc thí điểm mua sắm TSNN theo phương thức tập trung đã được thực hiện từ năm 2008. Qua 6 năm triển khai thí điểm, phương thức này cho thấy sự phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như điều kiện cụ thể tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, phương thức MSTT tài sản công cũng có nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Vì vậy, bản dự thảo trình Chính phủ của Bộ Tài chính đã xây dựng cơ chế MSTT với nhiều thay đổi so với quy định hiện hành.

Trang thiết bị làm việc và văn phòng phẩm sẽ được áp dụng hình thức mua sắm tập trung. Ảnh: Trần Hải


Việc MSTT sẽ được thực hiện bắt buộc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh. Các doanh nghiệp có vốn nhà nước và tổ chức khác có sử dụng tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc "Danh mục MSTT" được khuyến khích áp dụng phương thức mua sắm này. Tài sản thực hiện MSTT là tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc "Danh mục MSTT", trừ tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng trong đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tài sản của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; tài sản mua sắm từ nguồn vốn viện trợ, tài trợ, nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài mà nhà tài trợ có yêu cầu về mua sắm khác. Việc MSTT sẽ ưu tiên hình thức đấu thầu qua mạng. Ba nhóm tài sản được Bộ Tài chính đề xuất áp dụng phương thức MSTT gồm: Xe ô tô và các phương tiện vận tải, trang thiết bị, phương tiện làm việc và văn phòng phẩm. Đây là các loại tài sản hiện đang được mua sắm nhiều tại các cơ quan, đơn vị. Ngoài các loại tài sản áp dụng chung, UBND cấp tỉnh có thể quyết định thêm các tài sản áp dụng MSTT cho các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Dự thảo của Bộ Tài chính đề xuất hai hình thức "ký hợp đồng trực tiếp" với mua sắm xe ô tô, các phương tiện vận tải và mua sắm theo cách thức "ký thỏa thuận hợp đồng khung" áp dụng cho việc mua sắm với quy mô lớn.

Đại diện Cục Quản lý công sản cho biết, mua sắm công theo phương thức tập trung là hình thức đã được nhiều quốc gia áp dụng nhằm cắt giảm chi tiêu công. Tại Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế và hoạt động thu ngân sách đang gặp nhiều khó khăn, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong cơ cấu chi NSNN có xu hướng giảm và tỷ trọng chi thường xuyên tăng nhanh là dấu hiệu cho thấy sự bất ổn trong quản lý chi tiêu công. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến hậu quả khó khắc phục về ngân sách. Để đạt được mục tiêu tiết kiệm chi tiêu công, cần có các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả TSNN mà trước hết là quản lý tốt quá trình mua sắm công. Vì vậy, việc hoàn thiện cơ chế MSTT là việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay.

So với phương thức MSTT, hình thức mua bán tài sản công theo phương thức phân tán tại các đơn vị sự nghiệp tốn kém hơn nhiều, bởi, với hơn 100.000 đầu mối đơn vị đang cùng thực hiện một quy trình đấu thầu mua sắm một hoặc một số loại tài sản như: ô tô, trang thiết bị phục vụ công tác, văn phòng phẩm... chi phí mua sắm và chất lượng sản phẩm không thể tốt bằng phương thức MSTT. Nguyên nhân là do các đơn vị mua sắm phân tán sẽ không có điều kiện chọn lựa các nhà cung cấp tốt nhất. Việc mua sắm nhỏ lẻ cũng sẽ khiến cơ quan quản lý công sản gặp khó khăn trong việc giám sát, phòng chống tham nhũng, lãng phí... Vì vậy, việc áp dụng phương thức MSTT, tổ chức mua sắm công với khối lượng tài sản lớn thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi là chủ yếu sẽ góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa tham gia... việc cung ứng hàng hóa. Khi quy trình mua sắm công được thực hiện công khai, minh bạch sẽ góp phần giảm chi tiêu công và đẩy mạnh tiết kiệm, phòng chống lãng phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung: Việc cần thiết và cấp bách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.