Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu sản phẩm da giày: Vẫn còn “đất” trống

Hồng Sơn| 19/05/2014 06:35

(HNM) - Theo nhận định của các cơ quan chức năng, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu tính từ đầu năm đến nay tăng trưởng khá mạnh là do sự đóng góp kịp thời cũng như tỷ trọng lớn của một số sản phẩm thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo đó, phần lớn thị trường nhập khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đều gia tăng mức độ nhập hàng da giày từ Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng của ta cũng len lỏi vào một số thị trường nhỏ tại Đông Âu, Nam Mỹ với kim ngạch tuy nhỏ nhưng cũng có xu hướng tăng mạnh. Bộ Công thương cho biết, sở dĩ có kết quả khả quan trên là do sức mua tại một số nước đang phục hồi, kết hợp với việc hàng của ta được hưởng nhiều ưu đãi từ hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU dành cho Việt Nam. Đáng mừng là, xu hướng duy trì mức nhập khẩu hàng da giày Việt Nam tại các thị trường nhìn chung đang ổn định. Điều này lý giải vì sao ở thời điểm hiện tại nhiều doanh nghiệp (DN) đã ký được hợp đồng sản xuất đến hết tháng 8-2014. Thông qua hoạt động sản xuất ổn định, các DN còn tăng cường sự hợp tác, gắn kết nội khối, từ đó gia tăng hàm lượng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm xuất khẩu.

Dây chuyền sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Giày Thượng Đình.


Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, cơ hội tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam là rất khả quan bởi ngoài những yếu tố thuận lợi về thị trường, ưu đãi thuế quan phổ cập GSP thì Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết cũng sẽ tạo nhiều cơ hội cho các đơn vị gia tăng xuất khẩu trong tương lai gần. Điều cần lưu ý là mỗi DN cần chuẩn bị trước phương án để thâm nhập vào các thị trường thành viên khối TPP ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực. Để nắm bắt cơ hội, ngay từ thời điểm này các DN cần chủ động đầu tư nâng cấp công nghệ, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Riêng công tác tiếp thị cũng cần có sự thay đổi, đòi hỏi phải dựa trên kết quả nghiên cứu về thị hiếu, văn hóa tiêu dùng và mức chi tiêu ở từng thị trường cũng như đối tượng tiêu dùng cụ thể. Ngoài ra, sự chuẩn bị tìm hiểu về thông tin, quy định pháp lý, quy cách và tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm cũng là yêu cầu cần thiết để DN làm chủ quá trình xúc tiến thương mại và xuất khẩu, đồng thời phòng tránh tình huống bất lợi xảy ra.

Theo Bộ Công thương, hiện xu thế thay thế đồ nội thất bằng gỗ hoặc chất liệu khác bằng đồ da thuộc đang trở thành trào lưu tại nhiều thị trường nhập khẩu. Đây là thời cơ lớn, có tác dụng tích cực trên diện rộng cho từng đơn vị trong ngành. Vấn đề là mỗi đơn vị sẽ phát huy nguồn lực, nhất là cải thiện năng lực quản lý, xây dựng thương hiệu, tập trung tạo dựng sản phẩm xuất khẩu chủ lực ra sao để đạt hiệu quả kinh tế tối đa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu sản phẩm da giày: Vẫn còn “đất” trống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.