Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lúng túng áp “trần” giá sữa

Đặng Loan| 13/06/2014 04:09

(HNM) - Theo Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, trên địa bàn vẫn còn 12 doanh nghiệp (DN) chưa áp trần giá sữa bột dành cho trẻ em do có nhiều vướng mắc. Trên thực tế, Sở Tài chính cũng đang chờ Bộ Tài chính hướng dẫn...


Doanh nghiệp nhỏ kêu lỗ

Ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban Vật giá (Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh) cho biết, ngày 11-6, Vinamilk đã công bố giá bán buôn đối với 35 sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (gồm có 5 dòng sữa thuộc diện áp trần giá sữa của Bộ Tài chính và 30 dòng sữa Vinamilk tự đăng ký cho phù hợp). Theo đó, 35 sản phẩm này có mức giảm từ 6% đến 23%, tương đương 2.300 - 85.000 đồng/hộp tùy loại. Cụ thể, 5 sản phẩm sữa do Bộ Tài chính quản lý và công bố giá có mức giảm phổ biến từ 19% đến 23%/sản phẩm, 30 sản phẩm do Sở Tài chính công bố chỉ có mức giảm từ 6% trở lên.

Khách hàng chọn mua sữa tại siêu thị Co.opmart.



Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh Đào Thị Hương Lan cho biết, theo quy định trước đây, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu sữa có thị phần lớn sẽ do Bộ Tài chính quản lý và công bố giá. Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh chỉ quản lý và công bố giá đối với Vinamilk và các đơn vị sản xuất, nhập khẩu sữa có thị phần không đáng kể trên địa bàn. Tuy nhiên, do Vinamilk có thị phần lớn nên theo quyết định của Bộ Tài chính về bình ổn giá sữa, Vinamilk đã được đưa vào danh sách áp giá trần 5 sản phẩm sữa; 30 sản phẩm còn lại do Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh quản lý và công bố giá. Ngoài ra, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 12 tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sữa thuộc đối tượng phải đăng ký giá bán buôn tối đa cho mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi (gồm 7 đơn vị sản xuất và 5 đơn vị nhập khẩu). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các đơn vị này vẫn chưa đăng ký với Sở Tài chính do phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Đây là những đơn vị có quy mô sản xuất nhỏ, sản lượng tiêu thụ thấp nên các khoản chi phí hạch toán trong cơ cấu giá thành đều ở mức thấp, chi phí lợi nhuận chỉ 3-4% nên nếu thực hiện điều chỉnh giá bán các sản phẩm theo tương quan với các sản phẩm thuộc danh mục 25 sản phẩm do Bộ Tài chính ban hành (giảm từ 14% đến 23%) thì giá bán các mặt hàng sẽ thấp hơn giá sản xuất. Mặt khác, những đơn vị này đã kê khai với Sở Tài chính và giữ giá từ năm 2010 đến nay, trong khi các hãng sữa ngoại mỗi năm đều điều chỉnh giá. Vì vậy, nếu điều chỉnh giá thấp hơn họ sẽ gặp khó khăn và có nguy cơ phải đóng cửa.

Vì những khó khăn trên, Sở Tài chính thành phố đã đề xuất với Bộ Tài chính, những DN thuộc trường hợp trên được đăng ký lại giá của sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong đó xây dựng lại các khoản chi phí trong cơ cấu giá thành theo quy định. Ngược lại, Sở Tài chính thành phố sẽ rà soát các khoản chi phí và cơ cấu giá thành của từng đơn vị để đề xuất mức bán buôn tối đa.

Các siêu thị Co.opmart, BigC và nhiều cửa hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã thực hiện giảm giá sữa bán lẻ. Tại cửa hàng sữa Nguyễn Mười (trên đường Nguyễn Thông), sản phẩm sữa Abbot giảm từ 40.000 đến 138.000 đồng/hộp. Sản phẩm sữa của FrieslandCampina Việt Nam giảm từ 31.000 đến 73.000 đồng/ hộp. Mead Johnson giảm từ 52.000 đến 203.000 đồng…

Lúng túng xác định giá bán lẻ

Liên quan việc áp dụng giá bán lẻ bà Hương Lan cho biết còn một số bất cập. Theo đó, Bộ Tài chính quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm sữa có hệ thống phân phối và chính sách bán lẻ; kinh doanh sữa theo hình thức bao tiêu, độc quyền; có quyền quyết định giá và điều chỉnh giá thì thuộc diện xác định giá bán lẻ. TP Hồ Chí Minh có hàng trăm nghìn đại lý, cửa hàng kinh doanh mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, do đó số lượng phải thực hiện việc xác định giá bán lẻ tối đa rất nhiều, không thể hoàn thành trong thời gian 10 ngày kể từ ngày công bố giá bán buôn 10-6. Vì vậy, Sở đang xin ý kiến của Bộ Tài chính, trước mắt chỉ xác định giá bán lẻ tối đa đối với 19 DN có trụ sở chính đóng trên địa bàn. Ngoài ra, Sở Tài chính thành phố cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính giải thích, hướng dẫn rõ cách xác định chi phí giá bán lẻ không vượt quá 15% giá bán buôn, theo đó xác định các chi phí liên quan bao gồm những chi phí nào… để Sở Tài chính thực hiện và triển khai việc kiểm tra, kiểm soát giá bán. Hiện, Bộ Tài chính đang tích cực xem xét các kiến nghị này để việc công bố giá bán lẻ tối đa đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được thực hiện đúng thời gian mà Bộ đưa ra là vào ngày 21-6-2014.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lúng túng áp “trần” giá sữa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.