Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loay hoay phát triển công nghiệp hỗ trợ

Đặng Loan| 04/07/2014 07:01

(HNM) - Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được TP Hồ Chí Minh xác định là một trong những ngành được ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp này vẫn còn rất èo uột bởi thành phố chưa xác định được sản phẩm chủ lực trong chiến lược phát triển; các chính sách ưu tiên thu hút


Thiếu và yếu

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, do CNHT chưa phát triển nên phải nhập khẩu đến gần 80% nguyên liệu sản xuất. Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, hiện tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô chỉ 10%-15%; ngành cơ khí hằng năm cũng phải nhập khẩu gần 3 tỷ USD các loại linh kiện, phụ tùng; các ngành hàng dệt may, da giày… cũng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Công nghiệp hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh vừa thiếu vừa yếu.



Tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP), nơi phát triển CNHT hơn 10 năm nay, các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) cũng phải nhập khoảng 90% thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào. Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban SHTP, mặc dù nơi này cũng đã cấp phép cho một số DN thuộc CNHT như Air Liquide, Viedam Mold R&D Center, CNS Amura nhưng bức tranh ngành CNHT ở đây cũng không khác nhiều so với bức tranh chung. Các nhà cung cấp Việt Nam còn rất hạn chế về năng lực để tham gia chuỗi giá trị khi cung ứng cho các DN FDI. Những công ty lớn như Intel chỉ thu mua tại thị trường nội địa đối với các nguyên vật liệu gián tiếp phục vụ sản xuất với tỷ lệ chưa đến 10%. Công ty Jabil được cho là "điểm sáng" hiếm hoi, khi năm 2010 không có nhà cung ứng nội địa nhưng đến nay đã có hơn 200 nhà cung ứng, chiếm hơn 10% giá trị sản phẩm.

Theo ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh, 60% chi phí sản xuất của các DN Nhật Bản ở Châu Á là chi phí nguyên vật liệu, linh kiện, vì vậy việc cắt giảm chi phí này bằng nội địa hóa là mấu chốt để nâng cao sức cạnh tranh. Tuy vậy, tỷ lệ cung ứng nội địa của các DN Nhật Bản tại Việt Nam mới chỉ có 32,2%, còn thấp so Thái Lan là 52,7%, Indonesia là 40,8%.

Ông Lê Hoài Quốc cho rằng, điểm yếu của ngành CNHT là dung lượng thị trường của các ngành công nghiệp hạ nguồn quá nhỏ, đặc biệt là các ngành CN chế tạo như ô tô, máy công nghiệp, máy nông nghiệp… nên chưa hấp dẫn cho đầu tư CNHT. Chính sách ưu đãi phát triển CNHT cũng chỉ ưu tiên theo dự án, chưa ưu tiên theo ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước về CNHT còn yếu, nhiều lĩnh vực sản xuất CNHT chưa có trong hệ thống thống kê quốc gia, chưa có tiêu chuẩn quốc gia... Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) cũng nêu nguyên nhân ngành CNHT yếu kém là do quan điểm chưa rõ ràng về CNHT, bên cạnh đó chính sách phát triển CNHT của Việt Nam còn chưa đầy đủ và chưa có chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ tham gia vào các lĩnh vực CNHT.

Đề xuất thành lập KCN chuyên biệt về CNHT

Về mặt giá trị, CNHT yếu kém đồng nghĩa với việc phần lớn giá trị gia tăng tạo nên thuộc về các nhà đầu tư FDI và các nhà cung ứng nước ngoài, Việt Nam thu nhận được rất ít lợi ích từ quá trình này ngoại trừ giải quyết vấn đề lao động. Nếu không phát triển được CNHT, nền kinh tế sẽ đánh mất phần lớn giá trị và công nghệ mà việc thu hút đầu tư nước ngoài đem lại.

Gần đây, nhằm phát triển CNHT, TP Hồ Chí Minh đã cấp phép xây dựng Khu kỹ nghệ Việt Nhật (nằm trong KCN Hiệp Phước), dự kiến đến tháng 10-2014 được đưa vào khai thác để thu hút luồng vốn đầu tư từ các DN vừa và nhỏ Nhật Bản trong lĩnh vực CNHT kỹ thuật cao.

Theo ông Vũ Văn Hòa, để phát triển CNHT, thành phố cần xây dựng những KCN, cụm công nghiệp chuyên ngành phù hợp với quy mô sản xuất của DNVVN. Trước mắt, Hepza đề xuất chọn 2 KCN có quỹ đất sẵn sàng là: KCN Hiệp Phước - giai đoạn 2 (diện tích 597ha, đã đền bù được 381ha), KCN Lê Minh Xuân 3 (diện tích 231,34ha, đã đền bù được 219ha) để xây dựng KCN về CNHT phục vụ phát triển công nghiệp cơ khí, điện tử, tin học.

Theo ông Lê Văn Khoa, thành phố hiện còn 10 KCN với tổng diện tích là 1.542ha, trong đó có 170ha đất có thể cho thuê ngay, 1.373ha đất chưa làm hạ tầng và giải phóng mặt bằng. Thành phố dự kiến dành quỹ đất khoảng 650ha để hình thành 3 KCN thu hút các ngành công nghệ cao và CNHT. Sở cũng đã đề xuất các ưu đãi về giá thuê đất, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ chế tài chính... để thu hút DN đầu tư vào CNHT. Riêng các doanh nghiệp FDI khi được hưởng chính sách hỗ trợ thì cần có cam kết về chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay phát triển công nghiệp hỗ trợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.