Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều hành giá xăng dầu: Loanh quanh bài toán lợi ích

Hương Ly| 29/07/2014 06:09

(HNM) - Theo yêu cầu của Liên bộ Tài chính - Công thương, từ 14h ngày 28-7, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đã đồng loạt giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu.



Tuy nhiên, với mức giảm nhỏ giọt, điều chỉnh chưa kịp thời, gọi cho đúng là quá chậm, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới trong 3 tuần đầu tháng 7 có chiều hướng giảm liên tục; đáng nói nữa đây là lần giảm giá xăng đầu tiên sau 5 lần tăng giá kể từ đầu năm tới nay, khiến dư luận vẫn phải đặt câu hỏi: Liệu công tác điều hành giá mặt hàng thiết yếu này có được thực hiện một cách công khai, minh bạch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?

Giá xăng được điều chỉnh giảm từ 14h ngày 28-7 Ảnh: Như Ý


Giá "một mình một chợ", người dân thiệt thòi

Bảng giá cập nhật của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam thời điểm cuối tháng 7-2014 cho thấy, với hai mặt hàng dầu hỏa và dầu diesel, các DN kinh doanh xăng dầu lãi hơn 500 đồng/lít (đã bao gồm lợi nhuận định mức). Hai mặt hàng xăng và dầu mazut, vì được sử dụng mức trích quỹ bình ổn nên mức lãi là gần 500 đồng/lít. Một trong những nguyên nhân giúp DN kinh doanh xăng dầu lãi khá cao thời gian gần đây là do giá xăng dầu thế giới trong 3 tuần đầu của tháng 7 có chiều hướng giảm liên tục. Tại Singapore (nguồn cung cấp hàng chính cho Việt Nam), giá xăng A92 chỉ còn 115 USD/thùng, giảm 8 USD/thùng so với thời điểm tăng giá xăng ngày 7-7. Theo ước tính của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, mỗi ngày thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 38 triệu lít xăng dầu các loại. Với mức lãi trên dưới 500 đồng/lít, các DN kinh doanh đang lãi lớn.

Về mặt lý thuyết, giá xăng, dầu được điều hành theo Nghị định 84/NĐ-CP của Chính phủ, tuân thủ nguyên tắc hài hòa quyền lợi của 3 bên: Nhà nước - doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thế nhưng, thực trạng giá xăng tăng nhanh, giảm chậm khiến dư luận không ngừng đặt dấu hỏi xung quanh việc điều hành giá mặt hàng thiết yếu này. Việc thiếu những thông tin minh bạch về công tác điều hành giá khiến người dân luôn cảm thấy thiệt thòi và không mấy tin tưởng về việc quyền lợi của mình được bảo đảm hài hòa với hai bên còn lại như tuyên bố của cơ quan chức năng quản lý giá xăng dầu.

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước thường trong tình trạng "một mình một chợ" so với giá thế giới là do quy định lấy giá bình quân 30 ngày để làm căn cứ tính giá cơ sở, trong khi thế giới lại điều chỉnh giá xăng dầu hằng giờ. Điều đó làm nảy sinh tình trạng khi giá thế giới giảm, giá bán lẻ trong nước không giảm, thậm chí lại tăng, còn khi giá thế giới tăng thì trong nước lại... giảm giá. Bất cập trong cách tính giá cơ sở đã được Liên bộ Tài chính - Công thương, cơ quan điều hành giá xăng dầu nhận thấy từ 2 năm trước và đã được điều chỉnh rút ngắn thời gian tính giá xăng dầu bình quân xuống còn 15 ngày trong dự thảo sửa đổi Nghị định 84. Tuy nhiên, nghị định mới đến nay vẫn chưa được ban hành khiến quyền lợi của người dân trong tình trạng "bấm bụng" chịu thiệt chờ văn bản mới.

Chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa các bên

Đó là khẳng định của Bộ Tài chính tại quyết định giảm giá xăng dầu có hiệu lực từ 14h ngày 28-7. Theo Bộ Tài chính, giá xăng, dầu thế giới từ sau ngày điều hành gần nhất 18-7 đã có xu hướng giảm. Căn cứ nguyên tắc tính toán giá cơ sở theo các quy định hiện hành, mặt hàng xăng A92, DN đang lỗ 275 đồng/lít; dầu mazut lỗ 26 đồng/kg. Riêng hai mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa đang lãi gần 400 đồng/lít. Trước tình hình này, Liên bộ Tài chính - Công thương đã quyết định cho phép các DN vẫn được sử dụng Quỹ bình ổn giá (BÔG) 600 đồng/lít, đồng thời yêu cầu giảm giá bán xăng trong nước phù hợp với quy định. Với hai mặt hàng dầu diesel 0,05S và dầu hỏa, liên bộ yêu cầu giảm giá bán tối thiểu tương ứng với mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành cao hơn giá cơ sở. Đối với dầu mazut, giữ ổn định giá bán như hiện hành; đồng thời, ngừng sử dụng Quỹ BÔG (giảm từ 300 đồng/kg như hiện hành xuống còn 0 đồng/kg).

Tại quyết định giảm giá ngày 28-7, Bộ Tài chính khẳng định, việc điều hành giá xăng dầu trong nước hiện tuân theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và thực hiện quy định của Nghị định 84. Việc điều hành giá xăng dầu theo xu hướng giá xăng dầu thị trường thế giới tùy từng chủng loại và chia sẻ hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường.

Trả lời các cơ quan báo chí về công tác điều hành giá xăng dầu tại cuộc họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, từ đầu năm giá xăng dầu đã có 10 lần điều chỉnh, trong đó giá xăng điều chỉnh tăng 5 lần. Trong 10 lần điều chỉnh giá xăng dầu, có 5 lần điều chỉnh tăng và 5 lần giảm. Tuy nhiên, trên thực tế việc điều chỉnh giảm chỉ diễn ra đối với các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa với mức giảm khiêm tốn.

Lý giải việc giá xăng liên tục tăng cao, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, theo quy định về điều hành giá xăng dầu, chu kỳ tính giá là 10 ngày và chu kỳ lưu thông 30 ngày. Tại lần điều chỉnh gần đây nhất, nếu Bộ Tài chính không cho phép sử dụng Quỹ BÔG 500 đồng/lít, thì thực tế giá xăng phải tăng hơn 900 đồng/lít. Ông khẳng định, không có chuyện "thả cửa" cho DN điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vì lạm phát đang thấp, bởi giá xăng được điều chỉnh tăng, giảm hoàn toàn bám sát vào Nghị định 84, không nặng về thuế và lạm phát. Liên bộ luôn xem xét, điều hành giá dựa trên tình hình giá thị trường có sự kiềm chế bằng cách kết hợp sử dụng Quỹ BÔG.

Kết quả thực tế thu được trong công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua cho thấy, chỉ khi nào giá mặt hàng thiết yếu này được điều hành linh hoạt, kịp thời và bảo đảm minh bạch thông tin mới có thể tạo được niềm tin và sự đồng thuận trong dư luận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều hành giá xăng dầu: Loanh quanh bài toán lợi ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.