Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm thời gian, chi phí, thủ tục nộp thuế

Đặng Loan| 22/08/2014 07:04

(HNM) - Ngày 21-8, hơn 80 doanh nghiệp (DN) của người Việt đến từ 11 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đối thoại với lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của TP Hồ Chí Minh về các thủ tục thuế, hải quan. Cuộc đối thoại do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài  và Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức.

Bà Nguyễn Bùi Bạch Hà nêu bức xúc tại cuộc đối thoại.



Tại cuộc đối thoại, bà Nguyễn Bùi Bạch Hà, Giám đốc Công ty May mặc Duy Phát nêu rất nhiều bức xúc với cả ngành thuế và hải quan. Theo bà Hà, Công ty Duy Phát sản xuất găng tay sử dụng cho ngành công nghiệp, theo quy định thì thuế GTGT cho phần tráng nhựa bên trên là 10% và phần bông, len là 5%, nhưng ngành thuế lại xác định thuế 10%. Chưa kể, cùng một mặt hàng này, Chi cục Thuế quận Gò Vấp quyết toán thuế GTGT 10%, còn Chi cục Thuế quận Tân Bình là 5%. Bà Nguyễn Bùi Bạch Hà cũng cho rằng các thông tư, hướng dẫn phân loại hàng hóa để xác định thuế nhập khẩu không rõ ràng của ngành hải quan đã gây nhiều thiệt hại cho DN. Theo đó cùng một mặt hàng kim loại màu giống nhau nhập về cảng IDC Phước Long (quận 9), nhưng hải quan xác định lô hàng của công ty chịu mức thuế 10% trong khi đó nhiều đơn vị kinh doanh khác chỉ là 5%.

Còn theo ông Phan Văn Túc (Việt kiều Nhật Bản), làm trong ngành in ấn thiết bị thì các chính sách thuế ban hành quá nhiều và quá nhanh khiến DN chuẩn bị không kịp. Thêm nữa các hướng dẫn không rõ ràng, chữ nghĩa dích dắc muốn hiểu thế nào cũng được nên DN không biết khai tờ thuế thế nào.

Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) về điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có hiệu lực từ ngày 1-9 tới cũng khiến nhiều DN băn khoăn. Theo đó, có 2 điều kiện là máy móc thiết bị trong giới hạn 5 năm từ ngày sản xuất đến ngày nhập vào Việt Nam và giá trị sử dụng còn lại của máy móc thiết bị phải đạt 80% trở lên. Theo nhiều DN, điều kiện giá trị sử dụng còn 80% thì rất khó xác định vì không rõ ràng, có thể DN cho là còn giá trị 80% nhưng Cục Hải quan xác định giá trị thấp hơn, thành ra DN vi phạm. Vì vậy, đại diện Công ty Nguyễn Chí Technology đề nghị nên dựa vào chính sách khấu hao của nước xuất khẩu để xác định giá trị máy móc hơn là tự thẩm định sẽ cho ra kết quả chủ quan.

Hiện có hơn 4 triệu kiều bào ở nước ngoài, lao động và học tập ở hơn 400 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo thống kê từ các cơ quan chức năng có khoảng 2 triệu lượt bà con kiều bào sinh sống làm ăn tại TP Hồ Chí Minh.

Tại buổi đối thoại, các DN cũng nêu nhiều câu hỏi khác như Việt kiều có được chuyển hết lợi nhuận ra nước ngoài hay không, lợi nhuận chuyển ra nước ngoài có bị đánh thuế hay không; các chính sách ưu đãi khi đầu tư sản phẩm công nghệ cao; chính sách kết nối với DN trong nước giúp đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài; chính sách cho Việt kiều hồi hương…

Trả lời trường hợp của Công ty Duy Phát, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, thuế GTGT tính theo hàng hóa dịch vụ, hàng bán ra là gì thì thuế suất theo danh mục đó, không phụ thuộc vào nguyên liệu làm ra sản phẩm. Ví dụ, mặt hàng găng tay thuế suất 10% thì phải áp dụng 10% chứ không chia tách thuế mặt hàng nhựa 10% và len là 5%. Tuy nhiên bà Trần Thị Lệ Nga cũng xác nhận, một mặt hàng chỉ có một mức thuế suất, nên nếu hai chi cục xác định hai mức thuế thì phải có một chi cục sai. Vì vậy, bà Nga đề nghị Công ty Duy Phát cung cấp thông tin, giấy tờ cụ thể để Cục thuế kiểm tra. Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu Cục Hải quan thành phố cũng ghi nhận trường hợp của Công ty Duy Phát và cho biết sẽ làm việc trực tiếp với bà Hà để giải quyết vấn đề ngay trong buổi chiều.

Về Thông tư số 20 của Bộ KHCN, ông Toản nhận định khi đi vào thực hiện dễ gặp vướng mắc trong xác định 80% giá trị, vì vậy ghi nhận ý kiến các DN và trong tuần này sẽ báo cáo lãnh đạo Cục Hải quan, Bộ KHCN xem xét để khi thông tư có hiệu lực không gây khó cho DN.

Trả lời các câu hỏi khác của DN, bà Trần Thị Lệ Nga cho biết, từ năm 2004 đến nay Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Thuế đã bỏ đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, các DN sau khi nộp thuế thu nhập DN thì làm thủ tục chuyển phần lợi nhuận còn lại ra nước ngoài không phải chịu thuế nữa. Bà Nga cũng thông tin cho các DN những chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN, tiền thuê đất… của Việt Nam hỗ trợ để khuyến khích đầu tư vào công nghệ cao… Theo bà Nga, ngành thuế đang nỗ lực cải cách để giảm thời gian, chi phí, thủ tục nộp thuế cho DN. Tuy nhiên vẫn còn một số cán bộ thuế làm việc không làm hết trách nhiệm, còn gây khó khăn, phiền hà cho DN và người nộp thuế, ngành thuế sẽ kiểm tra, chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm thời gian, chi phí, thủ tục nộp thuế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.