Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Ưu đãi thuế: Kẻ “khóc”, người “cười”

Hương Ly| 01/09/2014 07:43

(HNM) - Kết quả một cuộc khảo sát gần đây tại hơn 1.000 DN FDI cho thấy, họ nhận được ưu đãi tài chính từ phía địa phương. Sự ưu đãi có phần hơi

Ưu đãi từ trung ương tới địa phương

Kết quả khảo sát do Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công bố mới đây cho thấy, qua khảo sát 1.426 DN FDI trong lĩnh vực sản xuất, có tới 97% DN ở Vĩnh Phúc, 79% ở Hà Nội, 72% ở Đồng Nai, 65% ở Bắc Ninh trả lời là họ được nhận ưu đãi tài chính của chính quyền địa phương. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2013 do VCCI thực hiện cũng cho thấy, DN dân doanh tại Hà Tĩnh phải vật lộn với khó khăn, trái ngược với những ưu ái mà tỉnh này xem xét, đề nghị Chính phủ cấp cho các dự án FDI.

Các doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều lao động nhưng thường ở những công việc có mức lương thấp và sử dụng lao động kỹ năng thấp . Ảnh: Đức Nghiêm


Trên thực tế, chỉ có khoảng 5-6% DN FDI đưa công nghệ tiên tiến vào Việt Nam. Điều này trùng với phát hiện trong báo cáo của UNIDO là các DN FDI sử dụng nhiều lao động và xuất khẩu nhiều hơn DN Việt Nam nhưng hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực trả lương thấp và sử dụng lao động kỹ năng thấp. Chuyên gia của UNIDO cho rằng, các chính sách ưu đãi để thu hút vốn FDI của Việt Nam chỉ tạo ra sự biến dạng hệ thống thuế và gây tốn kém cho ngân sách. Bởi những chính sách ưu đãi thuế làm tăng tính cạnh tranh, nhưng không thay thế cho sự cạnh tranh nên đây là cuộc đua xuống… đáy.

Nhận xét về những chính sách ưu đãi đầu tư, trong đó có ưu đãi thuế cho các DN FDI những năm vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, những ưu ái này không còn hợp lý nữa. Trên thực tế, nhiều DN FDI sử dụng nhiều điện, thép, xi măng… của các nước sẵn sàng chuyển sang Việt Nam vì giá năng lượng đầu vào, giá thuê đất với thời hạn lâu năm tại nước ta rất rẻ. Thêm vào đó, chính sách thuế thu nhập DN cho các DN FDI cũng giảm mạnh trong thời gian gần đây. Tại Việt Nam, thuế suất thuế thu nhập DN là 32% trong năm 1997, 28% từ năm 2003, 25% từ năm 2009, 22% từ ngày 1-1-2014 và 20% (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2016).

Thế nhưng, như đã nói, nhiều DN FDI đã lạm dụng chính sách ưu đãi, đồng thời tìm mọi cách gian lận, trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, do được hưởng nhiều ưu đãi nên giá thành sản phẩm của các DN FDI thường ở mức khá cạnh tranh. Còn DN trong nước, do không được hưởng những chính sách này nên nguy cơ không thể cạnh tranh nổi, thậm chí thua ngay trên sân nhà là điều khó tránh khỏi.

Kết quả khảo sát và phân tích về hoạt động chuyển giá của các DN FDI tại Việt Nam năm 2013, do nhóm nghiên cứu của VCCI và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện cho thấy, khoảng 20% DN FDI thực hiện chuyển lợi nhuận nhằm giảm gánh nặng thuế. 37% DN mà nước xuất xứ có thuế suất thấp hơn Việt Nam có xu hướng thực hiện chuyển giá. 65,1% DN có lợi nhuận lớn hơn 20% có thực hiện chuyển giá và 44,5% DN lợi nhuận 10-20% thực hiện hành vi này. Trong số đó, 90% DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm; 70% DN lĩnh vực sản xuất dệt may; 51% DN lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô... thực hiện chuyển giá. Kết quả này dựa trên cơ sở khảo sát thu thập ý kiến của 1.609 DN FDI đến từ 49 quốc gia khác nhau, hoạt động trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mật độ DN FDI cao nhất.

Xây dựng cơ sở dữ liệu chống chuyển giá

Thực tế cho thấy, việc các DN FDI chuyển giá, trốn thuế gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước không hề mới lạ, thậm chí ngày càng phức tạp với số thuế gian lận tăng mạnh theo từng năm. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu không làm mạnh tay, để các DN FDI thao túng, thị trường trong nước sẽ phải chịu mức giá cao bất hợp lý nếu sản phẩm, dịch vụ do DN FDI cung cấp là độc quyền. Bên cạnh đó, mức giá nhập khẩu cao sẽ thủ tiêu lợi ích về giá từ hoạt động nhập khẩu, làm cho mặt bằng giá cao giả tạo. Thậm chí, có một số hàng hóa dịch vụ sẽ có mức giá tại Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực.

Theo các chuyên gia, phải có sự kết hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng trong việc quản lý kiểm soát giá máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu để chống chuyển giá ngay từ khâu kêu gọi đầu tư, xét duyệt thẩm định dự án, cấp phép cho dự án đến quá trình thực hiện và thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hay thu thuế thực hiện dự án. Những vi phạm của DN FDI phải được phát hiện kịp thời và xử lý theo pháp luật, không thể có sự nhân nhượng. Luật Quản lý thuế sửa đổi đã bổ sung cơ chế thỏa thuận trước về giá thị trường trong giao dịch liên kết có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Khi cơ quan thuế đã có thỏa thuận trước về giá thị trường trong giao dịch liên kết, các DN FDI có vi phạm sẽ không thể chối cãi và sẽ phải chịu ấn định giá của cơ quan thuế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, ngành thuế cần sớm xây dựng và hoàn thiện một hệ thống dữ liệu đa dạng, đầy đủ để đối chiếu với mức giá mà công ty mẹ - con của DN FDI liên kết với nhau trong nội bộ. Đội ngũ cán bộ thuế cần được đào tạo để nâng cao năng lực chuyên môn nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi gian lận.

Để chống chuyển giá hiệu quả, nên điều chỉnh chính sách thuế phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm việc xem xét lại các mức thuế suất áp dụng cho đối tượng liên quan, điều chỉnh thuế thu nhập DN theo tương quan với các nước đối thủ cạnh tranh chính. Bên cạnh đó, cần công khai chính sách thuế trong những năm tiếp theo, áp dụng cơ chế tạo thuận lợi cho việc định giá trước, đồng thời, điều chỉnh chính sách thuế theo hướng ổn định, lâu dài để DN có thể yên tâm lên kế hoạch kinh doanh trong thời gian trung và dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Ưu đãi thuế: Kẻ “khóc”, người “cười”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.