Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức sống thành phố trẻ

Thùy Linh| 02/09/2014 07:29

(HNM) - 39 năm sau ngày thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh đã và đang giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào quá trình tăng trưởng kinh tế đất nước...


TP Hồ Chí Minh đang triển khai hàng loạt công trình giao thông.Ảnh: Thái An


Dù kinh tế thế giới suy thoái ảnh hưởng lớn đến kinh tế trong nước nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi vào chiều sâu và phát huy được các nguồn lực xã hội. Trong giai đoạn 3 năm bị khủng hoảng nặng nề nhất là năm 2011 - 2013, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của TP Hồ Chí Minh vẫn tăng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,7 lần bình quân chung cả nước (cả nước tăng bình quân 5,6%/năm). Kinh tế thành phố phát triển bền vững khi chuyển dịch đúng hướng, tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh. TP Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều thương hiệu doanh nghiệp lớn ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực vươn ra cạnh tranh ở thị trường quốc tế.

TP Hồ Chí Minh còn là nơi phát kiến ra nhiều mô hình kinh tế mới, trở thành mô hình mẫu của cả nước đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, như: Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; mô hình bình ổn giá góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… Với vai trò đầu tàu, động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp trong vùng, thúc đẩy tạo mối liên kết trong hoạt động đầu tư, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Các chương trình như "Hợp tác thương mại với các tỉnh thành Đông - Tây Nam bộ do TP Hồ Chí Minh khởi xướng đã liên kết tạo nguồn hàng, phát triển hệ thống phân phối và chuỗi cung ứng hàng hóa sản xuất trong nước, qua đó hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp các địa phương.

Với vai trò đầu tàu, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 2011 - 2020 cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân cả nước. Cụ thể, GDP năm 2014 - 2015 là 10,5-11%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 9,5-10%/năm và giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 8,5-9%/năm. Kinh tế chuyển dịch đến năm 2025 khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 58,29-61,1% và khu vực nông nghiệp chỉ còn chiếm tỷ trọng 0,61 - 0,66%. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong những năm tới, theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân, thành phố sẽ tập trung phát triển những ngành, lĩnh vực có lợi thế, hướng đến nâng cao chất lượng tăng trưởng và kinh tế tri thức; thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nền kinh tế thành phố với 3 nội dung quan trọng về doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và ngân hàng… Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhằm chỉnh trang bộ mặt đô thị, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với những công trình tiêu biểu là làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của TP Hồ Chí Minh sau 39 năm giải phóng như dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Đại lộ Võ Văn Kiệt; hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Phú Mỹ… thành phố đang tiếp tục triển khai hàng loạt công trình giao thông quan trọng như tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, đường Vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây… để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Những ngày tháng 9 này, diện mạo đô thị TP Hồ Chí Minh đang có nhiều thay đổi. Những công trình hiện đại đã và đang xây dựng, làm mới, làm đẹp hơn những công trình cũ là động lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong sức sống mới của thành phố mang tên Bác kính yêu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sức sống thành phố trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.