Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hẹp khoảng cách giữa vốn đăng ký và giải ngân

Anh Minh| 22/09/2014 06:26

(HNM) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức giải ngân vốn đầu tư nước ngoài trong 8 tháng đầu năm đạt 7,9 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giới chuyên gia nhận định, mức giải ngân vốn thực tế chính là thước đo sức sống của khu vực ĐTNN, thể hiện niềm tin và định hướng kinh doanh lâu dài của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo, kết quả giải ngân vốn ĐTNN cả năm nay có thể đạt 12,5 tỷ USD, tức là sẽ vượt gần 10% so với mức dự kiến. Đây có thể xem là một điểm nhấn đáng chú ý trong bối cảnh phần lớn nhà đầu tư quốc tế đang gặp khó khăn cũng như phải thực hiện việc tái cơ cấu, cắt giảm mức đầu tư để sắp xếp lại mục tiêu hoạt động tại các khu vực, quốc gia trên phạm vi toàn cầu.

Đáng lưu ý là kết quả này có được bởi sự đóng góp của một số dự án quy mô lớn đã triển khai giải ngân rất mạnh trong những tháng gần đây. Dự án Samsung Thái Nguyên (SEVT) sau khi chính thức hoạt động từ năm ngoái đến thời điểm này đã giải ngân được 1,4 tỷ USD. Dự án Samsung Bắc Ninh (SEV) cũng giải ngân được 1,73 tỷ USD. Đây là những khoản vốn bổ sung, "ra tấm ra món", trực tiếp nâng cao mức giải ngân vốn FDI của cả nước. Tương tự, các dự án lớn như Formosa đến nay đã giải ngân khoảng 4 tỷ USD; Lọc Hóa dầu Nghi Sơn cũng hứa hẹn một kết quả giải ngân khả quan trong tương lai gần.

Dự án Samsung Thái Nguyên hiện đã giải ngân được 1,4 tỷ USD, trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài.


Phần lớn mức giải ngân nói trên từ các dự án do doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc thực hiện cho thấy giới đầu tư của hai quốc gia này đang từng bước thể hiện quyết tâm đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất hàng xuất khẩu ra thị trường thế giới. Từ kết quả và dự báo khả năng giải ngân của cả năm 2014, giới chuyên gia ước đoán mức giải ngân vốn ĐTNN trong năm sau sẽ đạt khoảng 13 tỷ USD.

Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và tăng thêm trong 8 tháng qua mới đạt 10,2 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân của sự suy giảm là do sự thiếu vắng dự án mới có quy mô lớn. Xét về xu hướng và diễn biến thực tiễn ĐTNN toàn cầu những tháng qua thì khả năng thu hút vốn mới đạt mức ngang bằng năm ngoái là rất khó. Vấn đề đặt ra lúc này là cần tiếp tục đẩy nhanh tốc độ cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp ở mức tối đa với những cơ chế, quy định thông thoáng phù hợp với yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp ĐTNN.

Trong một diễn biến khác, các tập đoàn lớn như Samsung, LG hay Microsoft đang tìm cách đa dạng hóa các loại sản phẩm sản xuất tại Việt Nam; chủ yếu chuyển từ sản phẩm bình dân sang sản phẩm cao cấp, như đầu tư sản xuất điện thoại thông minh, với giá bán cao hơn thay vì chỉ sản xuất điện thoại thông thường. Bên cạnh đó, Tập đoàn Wintek (Đài Loan), đang lên kế hoạch thuê thêm 100ha đất để mở rộng cơ sở sản xuất ở Bắc Giang. Nếu dự định trở thành hiện thực đồng nghĩa với việc sẽ có thêm khoảng 1 tỷ USD "chảy" vào Việt Nam trong năm nay. Thực tế cũng cho thấy, Việt Nam vẫn đang mong đợi một số dự án thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng có quy mô rất lớn, có tính lan tỏa và là động lực cho nền kinh tế trong những năm tới, gồm: Dự án Lọc Hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định), cụm khí - điện - đạm của Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ)…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Cần nhìn rõ bản chất và kết quả đích thực trong thu hút vốn ĐTNN, để từ đó thu hẹp khoảng cách giữa vốn đăng ký và giải ngân. Làm như vậy sẽ góp phần "nắn" dòng vốn ngoại theo ý định, kế hoạch nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hẹp khoảng cách giữa vốn đăng ký và giải ngân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.