Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam: Làm gì để ra sân chơi lớn?

Đặng Loan| 26/09/2014 05:57

(HNM) - Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm 2015 và hàng loạt các hiệp định thương mại đã và đang được ký kết là bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của nền kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế Đông Nam Á và thế giới.



Doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần chuẩn bị gì trước cơ hội và thách thức của hội nhập? Diễn đàn Vietnam CEO Forum 2014 với chủ đề "Bước đi nào cho cuộc chơi mới" vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của hơn 1.000 lãnh đạo DN đã thảo luận vấn đề này.

Sản xuất và lắp ráp ô tô tại Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Khu phức hợp Chu Lai - Quảng Nam). Ảnh: Thái Hiền


Doanh nghiệp: Cạnh tranh trực diện hơn

Điều lo ngại cho các DN Việt Nam khi tham gia thị trường mở là rất hạn chế về tài chính, nhân lực, nguồn lực… so với các tập đoàn, công ty lớn mạnh đến từ nước ngoài. Theo bà Phạm Chi Lan, thành viên Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam đang bị sức ép hết sức nặng nề bởi 98% DN thuộc loại nhỏ và vừa, thậm chí đa phần là nhỏ, làm ăn rất manh mún. Bà Phạm Chi Lan cũng chỉ ra điểm yếu của DN Việt là thiếu sự liên kết, phát triển thành chuỗi, thành cụm. Phần lớn các DN Việt Nam chỉ tham gia ở khâu thấp nhất trong chuỗi cung ứng là lắp ráp và gia công, vì vậy cần nỗ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng, trong "cuộc chơi" mới này thì DN các nước Malaysia, Singapore… đang chuẩn bị hết sức ráo riết. Còn với DN Việt Nam thì dù AEC đã có cam kết và sẽ bắt đầu từ năm 2015 nhưng DN dường như chưa quan tâm lắm mà chỉ chú trọng đến Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo bà Lan, DN cần quan tâm nhiều hơn đến AEC bởi những cạnh tranh sẽ trực diện hơn. Bên cạnh đó, thay vì hỏi bao giờ đàm phán xong thì DN phải hỏi mình đã chuẩn bị được những gì sau khi cam kết đi vào thực hiện.

Nói về cơ hội của các DN Việt Nam, theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FPT cho rằng, khi thay đổi thì cơ hội lớn hơn rất nhiều, vấn đề là phải dịch chuyển. Thị trường trong nước thì DN Việt có lợi thế gần như tuyệt đối, vấn đề là tận dụng những gì phù hợp với năng lực. Chẳng hạn trong lĩnh vực công nghệ, các DN nhỏ có thể tham gia viết phần mềm ứng dụng.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cho rằng DN Việt Nam có khả năng làm ra sản phẩm chất lượng, có thể chứng minh là các thương hiệu nước ngoài đều đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam và sản phẩm của Việt Nam cũng đi ra nước ngoài rất nhiều như Phở 24, FPT, Trung Nguyên… Thế nhưng vấn đề là làm thế nào để phát triển bền vững. Điểm yếu của DN Việt Nam là làm thương hiệu và khả năng tài chính để thực hiện. Chẳng hạn, ông Johnathan Hạnh Nguyễn ví dụ, ở lĩnh vực phần thời trang DN Việt Nam chủ yếu chỉ thiết kế cho người Việt Nam chứ không cho thế giới, từ vóc dáng, màu sắc kiểu dáng nên khó ra thị trường thế giới. Trong khi đó những thương hiệu lớn như Chanel, Dior… họ thiết kế cho hàng tỷ người trên thế giới.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) Trần Bá Dương cho rằng để bán được 40.500 chiếc xe và đạt doanh số 1 tỷ USD/năm như hiện tại, Trường Hải đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm 2002. "Đừng đòi hỏi phải có gì mới làm mà phải suy nghĩ và tạo ra đường đi. Khát vọng lớn phải chấp nhận rủi ro, đôi khi phải đánh cược 50-50", ông Dương chia sẻ.

Cần cải cách thể chế kinh tế

Theo bà Phạm Chi Lan, chúng ta chuẩn bị bước vào cuộc chơi mới với thách thức cạnh tranh nhiều nhưng bản thân nền kinh tế đang yếu nên đòi hỏi phải nỗ lực rất nhiều, thể chế kinh tế cũng chưa cải cách được như mong muốn, còn nhiều trở ngại cho DN. Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương cũng cho rằng cần cải cách thể chế, cụ thể là thể chế kinh doanh gồm: Tạo ra môi trường giảm chi phí cho DN; tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và cơ chế ứng phó kịp thời để giảm rủi ro. Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, dù DN nỗ lực nhưng thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của Nhà nước, DN khó có thể phát triển nếu không có cơ chế thông thoáng, không có cơ chế bảo vệ. Những rào cản do cơ chế đã gây khó và làm chậm đi cuộc đua nhanh hội nhập. "Trong khi các nước họ đua đường dài thì chúng ta lại nhảy rào thì làm sao theo kịp"; ông Johnathan Hạnh Nguyễn ví von.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, từ đầu năm đến nay Chính phủ tiếp thu rất nhiều và đang thay đổi cách làm vận hành theo những kiến nghị của DN, mà điển hình là Nghị quyết 19 đang được triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực, hy vọng sẽ hỗ trợ tốt hơn cho DN trong hội nhập.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam: Làm gì để ra sân chơi lớn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.