Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu tầm nhìn hay thiếu trách nhiệm?

Gia Bảo - Phương Dy| 07/10/2014 06:08

(HNM) - Việc UBND TP Hồ Chí Minh quyết định tạm ngưng dự án


Nhiều chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị bỏ hoang.


Điển hình của việc xây chợ tiền tỷ rồi bỏ hoang gây lãng phí là chợ Thạnh Mỹ Lợi. Sau khi giải tỏa hai khu chợ An Khánh và Thủ Thiêm năm 2012, UBND quận 2 cho xây mới chợ Thạnh Mỹ Lợi trị giá hàng chục tỷ đồng, hiện đại nhất quận 2 với hai tầng gồm 233 sạp, ki ốt và tầng hầm giữ xe rộng rãi, hoàn thành và đi vào hoạt động cuối năm 2013 nhưng đến nay chợ vẫn vắng như "chùa bà đanh". Theo ghi nhận, mới khoảng 9h sáng, hàng chục ki ốt mặt tiền của chợ vẫn đóng cửa kín mít, chỉ có duy nhất quầy bán thuốc tư nhân mở cửa. "Dù cố gắng mở cửa bán hàng đều đặn nhưng hằng ngày cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng. So sánh với số tiền vốn hàng trăm triệu đồng và tiền chi phí gần 2 triệu đồng/tháng nếu tiếp tục trụ lại thì sẽ phá sản ngay", bà Lâm Thị Tuyết, chủ ki ốt 58 nói. Cùng chung nỗi niềm, anh Trần Huy Thuận, chủ một hàng ăn tại đây ngán ngẩm cho biết: "Cứ ế ẩm kiểu này, chắc tôi cũng đành phải bỏ sạp để đi kiếm việc khác mưu sinh, chứ không đủ tiền để bù lỗ".

Theo Ban Quản lý chợ Thạnh Mỹ Lợi, tính đến thời điểm này, đã bàn giao được 196 trong tổng số 233 quầy sạp, ki ốt nhưng chỉ có mấy chục sạp hoạt động, phần lớn trong đó đều đòi trả lại... Đáng nói là Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 2 đã hỗ trợ giữ xe miễn phí cho tiểu thương và khách hàng, miễn giảm 2 tháng thuê quầy, ki ốt cho các tiểu thương kinh doanh liên tục từ 6 tháng trở lên; thậm chí, UBND quận 2 còn lập hẳn một tuyến xe buýt qua chợ Thạnh Mỹ Lợi, với mong muốn tăng lượng khách vãng lai đến mua sắm. Thế nhưng, chợ Thạnh Mỹ Lợi vẫn đìu hiu.

Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh 9 tháng đầu năm 2014, Chánh Văn phòng UBND thành phố Võ Văn Luận cho biết, việc tiểu thương chợ Tân Bình phản ứng gay gắt dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống do thiết kế, bố trí các sạp chưa hợp lý. UBND thành phố đã yêu cầu UBND quận Tân Bình tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến tiểu thương phản ứng như những ngày vừa qua. Hiện việc tạm ngưng nhằm tổng hợp ý kiến vì sao tiểu thương chưa đồng tình; xem lại toàn bộ quy hoạch, thiết kế bố trí sạp, các chính sách đối với tiểu thương khi thực hiện di dời... Trên cơ sở đó, quận Tân Bình sẽ báo cáo UBND thành phố có ý kiến quyết định cuối cùng.

Tại quận 9, nhiều chợ được xây dựng với quy mô lớn, nhưng bên trong không thấy một bóng người như chợ Tân Phú (phường Tân Phú) được xây dựng từ năm 2004 với quy mô gần 4.000m2, kinh phí gần 2,3 tỷ đồng. Được biết, trước đây khi chợ xây dựng xong, cũng có vài ki ốt mở cửa buôn bán nhưng chưa đầy một tháng, các tiểu thương đã đồng loạt ngưng bán vì không có người mua. Tương tự, chợ Long Trường (đường Nguyễn Duy Trinh, phường Long Trường, quận 9) được xây dựng với kinh phí gần 5 tỷ đồng, rộng khoảng 8.000m2, hoạt động từ nhiều năm nhưng hiện nay nhiều sạp hàng vẫn bỏ trống. Số ít tiểu thương còn bám trụ lại với mong muốn vớt vát số tiền vốn đã bỏ ra.

Điều nghịch lý là trong khi hàng loạt chợ hiện đại xây mới ế ẩm thì gần đó, nhiều chợ tự phát lại tấp nập cảnh người mua kẻ bán. Thậm chí, người bán còn đưa sạp hàng tràn xuống lòng đường gây mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông.

Ông Nguyễn Tuấn Dương, Phó Trưởng ban Quản lý chợ Thạnh Mỹ Lợi cho rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến chợ Thạnh Mỹ Lợi bỏ hoang là do xây dựng tại vị trí không phù hợp với nhu cầu mua sắm, phân bố dân cư… "Khu vực này đa số là các biệt thự, nhà lầu nên họ chủ yếu đi mua sắm tại các siêu thị, chứ ít khi ra chợ", ông Nguyễn Tuấn Dương nói. Còn ở chợ Tân Phú (quận 9)

chỉ cách quốc lộ 1A khoảng 300m nhưng lại thiếu đường kết nối với các khu vực xung quanh, chỉ có một lối ra vào duy nhất nối với con đường một chiều. Nếu đi chợ thì dân đi đường thuận nhưng khi về phải đi đường vòng khá xa nên không ai vào chợ.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, chợ xây mới hiện đại hoạt động không hiệu quả hay bị bỏ hoang là do chủ đầu tư đã không nghiên cứu kỹ về tập quán, thói quen của người dân. Cùng quan điểm, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho rằng giải pháp cho vấn đề này là chuyển đổi công năng để tránh lãng phí hàng tỷ đồng được huy động từ ngân sách nhà nước và nhân dân. Mặt khác theo nhiều chuyên gia, cũng cần xử lý trách nhiệm của những bên liên quan trong việc đầu tư xây dựng chợ gây lãng phí thì mới siết chặt được tình trạng đầu tư vô tội vạ và "của công không ai xót".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu tầm nhìn hay thiếu trách nhiệm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.