Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Đặt vào “đường ray” để chạy đúng hướng

Hương Ly| 17/10/2014 06:29

(HNM) - Kinh tế Việt Nam đang thoát khỏi khủng hoảng, nhưng để đạt được một thứ bậc mới cao hơn vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Ngân sách trả lãi, dự án phơi sương

Nhận xét về quá trình thực hiện TCC đầu tư công (ĐTC) thời gian qua, TS Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cơ chế phân cấp vốn đầu tư theo kiểu "khoán trắng" cho địa phương và Trung ương chưa kiểm soát chặt chẽ phần ngân sách trung ương cấp cho địa phương đã khiến nguồn vốn bị sử dụng lãng phí và kém hiệu quả. Việc Bộ GD-ĐT chỉ kiểm soát được 2,8% tổng vốn đầu tư cho ngành mình là một ví dụ điển hình. Cần lý giải rõ nguyên nhân nào mà nhiều địa phương còn nghèo, ngân sách eo hẹp nhưng vẫn ưu tiên xây dựng cơ quan nhà nước hoành tráng trong khi không có tiền để đầu tư phúc lợi thiết yếu cho nhân dân - TS Trần Du Lịch nêu ý kiến.

Đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm tạo vị thế cho Việt Nam phát triển bền vững. Ảnh: Bá Hoạt


Khẳng định việc ĐTC phải gắn với chủ trương chủ động bội chi ngân sách cho đầu tư, TS Trần Du Lịch nêu dẫn chứng, nhiều năm qua nước ta phải thực hiện chính sách vay nợ để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa đất nước. Mặc dù Chính phủ đã có tiêu chí phân bổ vốn trái phiếu, song lại chưa đánh giá kết quả thực hiện một cách cụ thể dẫn đến tình trạng các ngành, địa phương đưa ra quá nhiều dự án trong khi nguồn vốn lại eo hẹp nên ngành nào "chạy" thủ tục sớm thì được chấp thuận và giải ngân sớm, nơi nào chậm thì phải để lại. Điều này đã phá vỡ tính ưu tiên và đồng bộ của hoạt động đầu tư, khiến nguồn vốn "nằm" ở khắp nơi, ngân sách phải trả lãi còn dự án thì phơi sương, phơi gió.

Theo TS Trần Du Lịch, vốn ĐTC phải được phân bổ cụ thể tới từng dự án, thời điểm đầu tư, cách thực hiện chứ không thể phân bổ theo ngành, theo địa bàn. Việc cân đối nguồn vốn đầu tư phải được thực hiện theo nguyên tắc làm dự án nào phải dứt điểm dự án đó để đưa vào sử dụng. "Còn trên thực tế hiện nay, ngay cả Luật ĐTC vừa được thông qua tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa 13 cũng khó xác định trách nhiệm giải trình của những cơ quan quyết định chủ trương đầu tư kém hiệu quả, mới giải quyết phần "ngọn" chứ chưa giải quyết phần "gốc" của vấn đề ĐTC" - TS Trần Du Lịch nhận định.

Thoái vốn ngoài ngành, xử lý nợ xấu

Theo dữ liệu thống kê năm 2008, chỉ riêng 8 tập đoàn và 96 tổng công ty nhà nước lớn nhất đã nắm giữ 75% tài sản cố định quốc gia, khoảng 60% tín dụng ngân hàng trong nước và tổng vốn vay nước ngoài. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, nhận xét, dù số lượng DNNN đã giảm mạnh từ 12.000 DN đầu những năm 90 của thế kỷ trước xuống còn khoảng hơn 1.000 DN hiện nay, nhưng việc hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước với nhiều công ty "con, cháu", thậm chí cả công ty "chắt" đã làm cho tỷ trọng của DNNN trong GDP vẫn ở mức rất cao, chiếm đến 32%, và tỷ trọng dư nợ tín dụng, nợ xấu của DNNN còn cao hơn…

Nhận xét về quá trình TCC hệ thống ngân hàng thương mại, GS Trần Thọ Đạt cho rằng, nợ xấu và sở hữu chéo là hai "căn bệnh" lớn nhất của hệ thống tín dụng hiện nay. Việc e ngại khi tính toán nợ xấu theo chuẩn mực quốc tế cũng như công bố các thông tin về nợ xấu và sở hữu chéo chỉ làm tăng nguy cơ phát bệnh trầm trọng hơn trong tương lai. Để xử lý tận gốc "căn bệnh" này, cần tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu thông qua việc thực hiện chiến lược sáp nhập các ngân hàng yếu kém bằng hình thức "bắt buộc" thay vì "tình nguyện" như trước đây.

Hiện nay, Việt Nam đang song song thực hiện cả hai mô hình xử lý nợ xấu phổ biến trên thế giới là tập trung và phi tập trung. Song thực tế cho thấy, mô hình phi tập trung tại Việt Nam đang thể hiện sự yếu kém và thiếu hiệu quả khi các công ty quản lý tài sản của các ngân hàng thương mại chưa thực hiện tốt chức năng của mình. Bởi bản thân VAMC - Công ty chuyên xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc bán nợ vì thiếu một thị trường mua bán nợ cùng các tiêu chuẩn đồng bộ. Từ kinh nghiệm xử lý nợ xấu của các quốc gia trên thế giới, GS Trần Thọ Đạt đề xuất 4 nhóm giải pháp cơ bản. Trong đó, bên cạnh việc xây dựng lộ trình xử lý nợ xấu phù hợp với từng nhóm ngân hàng, cần xây dựng một đạo luật riêng về xử lý nợ xấu thông qua việc hình thành một cơ chế đặc biệt cho VAMC nhằm đẩy nhanh tốc độ mua bán nợ…

Nhận xét về quá trình thực hiện đề án nói chung và triển vọng kinh tế trong năm 2015 nói riêng, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, kinh tế Việt Nam đang thoát khỏi khủng hoảng theo mô hình parabol, xuống từ từ tới đáy rồi dần đi lên. Nhìn vào tốc độ tăng trưởng, kinh tế Việt Nam đã xuống đáy từ cuối năm 2013 và đang có chiều hướng đi lên. Việc hoàn thiện các giải pháp nhằm thực hiện thành công 3 trục chính của đề án sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, tạo đà để xây dựng nền kinh tế tri thức vào năm 2020.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương:
Kết quả thoái vốn đạt thấp

Tính đến hết tháng 7-2014, các DNNN đã thoái vốn ngoài ngành được 7.139 tỷ đồng, bằng 28,8% tổng nguồn đầu tư cần phải thoái vốn (21.797 tỷ đồng). Thoái vốn là cách "kéo" DNNN ra khỏi thể chế phi thị trường sang thể chế thị trường, qua đó, thay đổi hệ thống khuyến khích và động lực thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực theo thị trường. Nhưng kết quả cổ phần hóa, thoái vốn trên thực tế vẫn rất thấp so với mục tiêu kế hoạch. Quá trình TCC DNNN còn hạn chế, chưa đặt đúng vào "đường ray" để chạy đúng hướng và đến đích.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Đặt vào “đường ray” để chạy đúng hướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.