Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có nên “đánh bạc” với vàng?

Đức Anh| 18/11/2014 07:11

(HNM) - Những ngày gần đây, thị trường vàng sôi động trở lại với sự trồi sụt liên tục của giá vàng...


Khách giao dịch tại cửa hàng vàng bạc đá quý Bảo Tín - Minh Châu. Ảnh: Trần Việt


Xuống dưới ngưỡng 35 triệu đồng/lượng vào những phiên đầu của đầu tháng 11, thị trường vàng trong nước thêm một lần nữa tạo sức hút đối với nhà đầu tư. Ngày 7-11, vàng SJC giao dịch phổ biến với giá 34,84 triệu đồng/lượng (mua vào) - 34,98 triệu đồng/lượng (bán ra), được coi là mức giá thấp nhất của vàng kể từ nhiều tháng nay. Sự sụt giảm giá khiến nhiều người coi đây là cơ hội để có thể mua vàng tích trữ, thậm chí lướt sóng.

Tuy nhiên, nếu giá cứ "rơi" mãi sẽ không giúp kênh đầu tư này hấp dẫn, mà chỉ sau vài phiên giảm, giá vàng đã hồi phục, với mức tăng vượt ngưỡng 35 triệu đồng/lượng để sau đó lại lùi xuống gần ngưỡng 35 triệu đồng/lượng. Tăng rồi giảm, chiều đi của giá vàng được ví như một đồ thị hình sin, trồi sụt không ngừng. Nếu mua vào thời điểm giá dưới ngưỡng 35 và "lướt" lúc giá đạt gần 35,3 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư có thể lãi hơn 300 nghìn đồng/lượng. Nhưng, với những người đã mua lúc giá ở quanh ngưỡng 36 triệu đồng/lượng từ tháng 10 sẽ phải chấp nhận lỗ gần 1 triệu đồng/lượng.

Đang ở mức thấp nếu so với thời điểm giá vàng leo thang lên 40 triệu đồng/lượng, hoặc "đỉnh" 48 triệu đồng/lượng, nhưng nếu so sánh giữa giá trong nước và thế giới, người dân đang phải mua vàng quá đắt. Thực tế giá trong nước có giảm, nhưng mức giảm không cùng chiều với giá thế giới. Trong khi giá thế giới giảm vài chục USD/ounce, giá trong nước chỉ lùi vài trăm nghìn đồng/lượng, khoảng cách giữa hai thị trường rộng dần. Từ 3 triệu đồng/lượng, sự giảm quá mạnh của giá thế giới khiến mức chênh lên đến hơn 5 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, giá vàng cũng có những phiên tăng, giảm thất thường. Nếu như đầu tháng 11, giá vàng mở đầu với những phiên giao dịch ở ngưỡng 1.165 đến 1.170 USD/ounce, sau đó lùi xuống dưới 1.150 USD/ounce, giao dịch ở 1.144 đến 1.145 USD/ounce, là đáy của giá vàng kể từ 4 năm trở lại đây.

Theo giới chuyên gia, giá vàng thế giới giảm sâu khi nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm tăng lãi suất. Mặc dù đã có thời điểm đồng USD suy yếu, tạo động lực cho vàng giành lại mốc 1.600 USD/ounce, nhưng giới đầu tư vẫn bị hấp dẫn bởi những mức cao kỷ lục liên tiếp của thị trường chứng khoán Mỹ nên không quá thiết tha với kim loại quý này, ngay cả khi giá vàng đã xuống mức quá thấp so với kỳ vọng.

Trong suốt mấy phiên liên tiếp, các chỉ số chứng khoán Dow Jones và S&P 500 đều lập kỷ lục mới, tăng với tốc độ phi mã. Thị trường chứng khoán được coi là bức tranh phản chiếu sức khỏe của nền kinh tế, do vậy, khi thị trường ấm, cũng có nghĩa là nền kinh tế có những dấu hiệu khả quan. Thị trường chứng khoán thường diễn biến trái chiều với thị trường vàng.

Một yếu tố tác động không nhỏ tới chiều đi xuống của giá vàng chính là việc Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR liên tục bán vàng ra, làm giới đầu tư hoang mang. Phiên ngày 10-11, quỹ bán ra 1,8 tấn; phiên ngày 11-11, bán ra 0,9 tấn, kéo lượng vàng nắm giữ của quỹ này chỉ còn hơn 700 tấn, mức nắm giữ thấp nhất của quỹ trong 6 năm trở lại đây.

Khi giá thế giới rơi xuống đáy thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây thì giá vàng trong nước chỉ xuống thấp nhất trong khoảng 8 tháng. Nhìn vào con số đơn giản này cũng đủ thấy tốc độ giảm của giá trong nước quá chậm so với thế giới, bởi vậy, khoảng cách giữa hai thị trường cứ tiếp tục bị nới rộng. Nhìn lại thời điểm trước, từ mức chênh 6 triệu đồng/lượng, cơ quan chức năng đã phải tìm cách để khoảng cách này rút ngắn còn 3 triệu đồng/lượng. Khi đó, nhiều người đã kỳ vọng giá trong nước sẽ lùi sát về giá thế giới để mức chênh hợp lý hơn, xuống khoảng 1 triệu đồng/lượng. Song, càng kỳ vọng lại càng thất vọng, bởi khoảng cách ngày càng xa, hiện nay đã lên hơn 5 triệu đồng/lượng.

Giới chuyên gia cho rằng, vàng là một kênh đầu tư "đỏng đảnh", khó dự đoán, đầu tư vàng chẳng khác gì đánh bạc nên trước khi đầu tư cần tính toán kỹ, cộng với việc phải chấp nhận mạo hiểm vì vàng có thể tăng, giảm với biên độ lớn chỉ trong vài giờ. Quan trọng hơn, giá trong nước hiện quá cao so với giá thế giới, nên nếu mua tích trữ hay đầu cơ thời điểm này, nhà đầu tư sẽ gặp không ít rủi ro nếu ngành chức năng can thiệp thị trường bằng các công cụ bình ổn, kéo giá trong nước xuống "tiệm cận" với thế giới. Trong bối cảnh thị trường có nhiều lựa chọn, từ bất động sản đến chứng khoán, hay đơn giản nhất là gửi tiết kiệm, nhà đầu tư không nên đặt quá nhiều niềm tin vào kim loại quý này, để tình trạng vàng hóa không còn là nỗi ám ảnh đối với nền kinh tế. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên “đánh bạc” với vàng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.