Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều phiền hà

Đặng Loan| 21/11/2014 06:53

(HNM) - Thống kê của UBND TP Hồ Chí Minh cho thấy thời gian cấp giấy đăng ký đầu tư đã được rút ngắn hơn so với trước đây. Tuy nhiên, tại buổi đối thoại giữa cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư và công ty tư vấn trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài (ĐTNN) do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20-11,


Dù đã được cải thiện song quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư vẫn còn nhiều phiền toái.


"Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thành phố cho thấy thời gian giải quyết 1 hồ sơ cấp giấy đăng ký đầu tư trung bình là 47 ngày, lâu nhất 172 ngày và nhanh nhất là 9 ngày làm việc" - bà Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết. Như vậy, dù thời gian đã có cải thiện so với năm 2013 (thời gian giải quyết hồ sơ trung bình 58 ngày, nhiều nhất là 257 ngày), tuy nhiên vẫn gấp nhiều lần so với quy định hiện hành. Cũng theo bà Quỳnh Mai, trong 8 tháng đầu năm 2014, Sở KH&ĐT nhận 440 hồ sơ cấp mới, giải quyết được 284 hồ sơ.

Đại diện Công ty Tư vấn Nagashima Ohno & Tsunematsu (Nhật Bản) phàn nàn, việc xin giấy phép rất phức tạp và tốn thời gian, thậm chí còn bị "làm khó". Theo đại diện này, các công ty Nhật Bản khi đầu tư thường tham khảo ý kiến các công ty đi trước, và ý kiến tham khảo rất quan trọng nên bất kỳ chia sẻ nào cũng tác động rất lớn đến quyết định đầu tư của các công ty Nhật Bản tiềm năng.

Luật sư Châu Huy Quang, điều hành Công ty Luật Rajah&Tann LCT Lawyers nhận xét thủ tục đầu tư ở Việt Nam còn rất nhiều nhiêu khê. Một hồ sơ phải gửi xin ý kiến nhiều cơ quan, ban, ngành khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian.

Luật sư Trần Anh Đức, đại diện Công ty Luật Allen & Overy Legal Vietnam cho rằng cơ quan nhà nước đang ôm đồm quá nhiều thứ không cần thiết như tham gia xem hợp đồng giữa các bên, báo cáo tài chính… dài cả trăm trang khiến thời gian kéo dài. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng phàn nàn rất nhiều về thủ tục chuyển nhượng dự án. Việc xin cấp phép 2 - 3 năm khiến nhà đầu tư không muốn đầu tư ở Việt Nam. Theo luật sư Ngô Thị Vân Quỳnh, khi làm giấy phép dự án bất động sản thì thời gian nhanh nhất là khoảng 6 tháng, một số ý kiến khác cho biết thậm chí thời gian cấp phép lên đến... hàng năm!

Bà Lê Thị Quỳnh Mai thừa nhận, việc cấp giấy chứng nhận còn chậm, nguyên nhân từ cả 3 bên: Nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ chưa đầy đủ; năng lực của một số đơn vị tư vấn chưa tốt và cả từ cơ quan quản lý nhà nước. Với cơ quan quản lý nhà nước, việc xin ý kiến các cơ quan thẩm tra là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng tiến trình giải quyết hồ sơ. Quy định thời gian phối hợp cho công đoạn này là 15 ngày làm việc nhưng thực tế luôn nhiều hơn.

Để khắc phục nguyên nhân này, UBND thành phố đã chỉ đạo phân loại hồ sơ thẩm tra làm 3 nhóm: Nhóm không hỏi; nhóm hỏi không chờ, nếu quá 15 ngày mà các ban, ngành không trả lời thì Sở KH&ĐT sẽ trình UBND thành phố căn cứ theo luật hiện hành và ý kiến chủ quan của Sở để đề nghị cấp phép; nhóm còn lại, theo quy định hỏi bộ, ngành và phải chờ thì mới phải chờ đợi. Theo bà Mai, kết quả sau khi áp dụng các biện pháp trên đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Cụ thể, thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thành lập chi nhánh văn phòng đại diện năm 2013 mất 19 ngày thì hiện còn 16; đăng ký cấp mới giấy chứng nhận đầu tư từ 27 ngày hiện giảm còn 22 ngày; đăng ký cấp mới thuộc diện thẩm tra từ 43 giảm còn 32 ngày... Mục tiêu là giảm 30% thời gian giải quyết hồ sơ so với trước, bảo đảm thời gian cấp phép các dự án thẩm tra là 30 ngày làm việc.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà, thành phố đã rút ngắn được thời gian, minh bạch hơn trong quy trình cấp phép, tuy nhiên còn phải cải tiến hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều phiền hà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.