Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông tư 36: Hạn chế chi phối, lợi ích nhóm lĩnh vực ngân hàng

Hương Thủy| 24/11/2014 10:35

(HNMO) - Theo ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước sẽ giới hạn sở hữu chéo, trong đó có thao túng và lũng đoạn lĩnh vực ngân hàng.


Mục đích của việc ban hành Thông tư 36 là, trong thời gian qua, Thông tư 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng đã thực sự đi vào cuộc sống, được các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài quán triệt thực hiện hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn trong hoạt động đối với từng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như cả hệ thống. Tuy nhiên, Thông tư 13 đã bộc lộ một số nội dung chưa phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay cũng như quá trình hội nhập quốc tế. Việc ban hành Thông tư số 36 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm:

(ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Thứ nhất, sửa đổi những quy định không còn phù hợp, hoàn thiện, bổ sung và tiếp cận sát hơn với thông lệ quốc tế về quản trị ngân hàng và quản lý, giám sát ngân hàng, từng bước thực hiện các quy định của Basel 2 về bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Thứ hai, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, bảo đảm kiểm soát tốt chất lượng hoạt động, khả năng chi trả, thanh khoản, an toàn hoạt động đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, cấp tín dụng của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, góp phần thực hiện có hiệu quả các Đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD theo Quyết định số 245 và Quyết định 843 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hệ thống TCTD Việt Nam phát triển ổn định, bền vững, an toàn, hiệu quả cao trong những năm hậu tái cơ cấu.

Thứ ba, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động thông qua các cơ chế báo cáo,tự công khai để giám sát của chính nội bộ TCTD, các thành viên góp vốn, cổ đông của TCTD và tăng cường sự giám sát, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn trong hoạt động đối với từng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như toàn hệ thống.

Thứ tư, hạn chế việc sở hữu chéo không lành mạnh, sự thâu tóm, chi phối của một hoặc một số TCTD đối với TCTD khác thông qua các hoạt động cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần và các hình thức khác.

Thứ năm, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn, thị trường tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.

“Tóm lại, việc ban hành Thông tư số 36 nhằm tạo nên các chuẩn mực mới cao hơn, chặt chẽ hơn và phù hợp hơn về quản trị, an toàn hoạt động ngân hàng và giám sát ngân hàng, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu và tạo môi trường hoạt động an toàn, lành mạnh cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” - ông Anh nói.

Trong Thông tư 36 có quy định tỷ lệ cho vay kinh doanh cổ phiếu của các ngân hàng là 5% vốn điều lệ, theo ông Huyền Anh, quy định này khác với trước kia là, chứng khoán bao gồm giấy tờ có giá, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ, cổ phiếu và quyền mua cổ phần, lựa chọn. Thông tư 36 chỉ quy định cấp tín dụng đối với kinh doanh cổ phiếu và thực tế theo số liệu khi xây dựng có đánh giá kỹ thực trạng cấp tín dụng trong hoạt động kinh doanh chứng khoán nói chung và cổ phiếu nói riêng. Số liệu cho thấy, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam cấp tín dụng đối với đầu tư cổ phiếu chưa bao giờ vượt quá 4,5%. Do đó, việc quy định cho các tổ chức tín dụng cấp tín dụng riêng cho cổ phiếu là rộng hơn so với hiện hành. Ngoài ra cho vay chứng khoán không chỉ có ngân hàng mà còn có công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, các nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân khác.

“Như vậy quy định mức 5% vốn điều lệ mục đích hạn chế đầu tư vốn dàn trải ra bên ngoài vốn hết sức khó khăn với hệ số rủi ro cao; thứ hai, tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển; thứ ba, hạn chế sở hữu chéo, thao túng thị trường giữa các tổ chức tín dụng với nhau”.

Liên quan đến thông tư quy định các điều kiện để ngăn ngừa sở hữu chéo, cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống ngân hàng, ông cho rằng, đây là quy định rất quan trọng để kiểm soát một ngân hàng cùng với thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên có sân sau của mình trong hoạt động cấp tín dụng, góp vốn mua cổ phần. Theo đó, trong hoạt động cấp tín dụng ngân hàng và TCTD phải thường xuyên cập nhật danh sách cổ đông khi có sự thay đổi. Thứ hai, phải công khai trước đại hội cổ đông về khoản cấp tín dụng cho các công ty cho doanh nghiệp và đặc biệt người có liên quan là công ty của hội đồng quản trị và hội đồng thành viên. Bởi vì, sở hữu chéo bản thân nó không xấu nhưng nếu sở hữu của 1 cá nhân, 1 tổ chức và người có liên quan ở mức độ nhất định có thể chi phối hoạt động của một ngân hàng khác từ đó dẫn tới sự không minh bạch về chất lượng tín dụng và dòng tiền chảy vào nền kinh tế. Do đó việc quy định giới hạn cấp tín dụng giữa các công ty con của ngân hàng, giữa ngân hàng với các thành viên công ty con, sân sau ở đây là một biện pháp hạn chế sự chi phối, thao túng, lợi ích nhóm phía sau.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, để kiểm soát sở hữu chéo sau khi có thông tư 36 thì cơ chế quy định thứ nhất là về cấp tín dụng, thứ hai là góp vốn mua cổ phần, vì hầu hết thông qua hai hình thức này dẫn tới sở hữu chéo, thâu tóm không lành mạnh. Về cấp tín dụng, thông tư quy định chặt chẽ việc cấp tín dụng cho một khách hàng là người có liên quan, là sân sau của các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng. Thứ hai, tổng mức góp vốn mua cổ phần của ngân hàng thương mại và người có liên quan bao gốm các đối tượng chi phối hoặc lãnh đạo, quản trị điều hành đối với ngân hàng thương mại khác.

Việc quy định tổng mức bao gồm 2 đối tượng trên ở mức 5% sẽ giới hạn sở hữu chéo, bao gồm thao túng và lũng đoạn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thông tư 36: Hạn chế chi phối, lợi ích nhóm lĩnh vực ngân hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.