Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấm cơ quan chủ quản can thiệp trực tiếp vào hoạt động của DNNN

H.Vân| 26/11/2014 14:24

(HNMO) - Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đã được Quốc hội thông qua chiều 26/11.


Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Đại diện chủ sở hữu nhà nước; Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo luật, vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Nguồn vốn trên được dùng để thành lập các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.


Luật quy định, cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý doanh nghiệp. Việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn nhà nước; bảo đảm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

Luật cho phép phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp theo hướng: Trích không quá 30% lợi nhuận sau thuế để lại doanh nghiệp sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển ngành, nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp; Trích một phần lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp để lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi của người lao động và quỹ thưởng của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên trên cơ sở hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, mức độ hoàn thành nhiệm vụ được Nhà nước giao. Nhà nước thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại để đảm bảo lợi ích của Nhà nước từ việc đầu tư vốn vào doanh nghiệp.

Về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, luật quy định, Chính phủ được quy định hình thức, nội dung, trình tự, thủ tục cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quy định việc quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; quy định về chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước; quy định về chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước...

Thủ tướng Chính phủ được quyết định đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp theo quy định được phân cấp. Đối với doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, Thủ tướng được quyết định tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu và sắp xếp lại doanh nghiệp; quyết định vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động; phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm của doanh nghiệp; quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên; quyết định chủ trương chuyển giao vốn nhà nước tại doanh nghiệp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước…

Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấm cơ quan chủ quản can thiệp trực tiếp vào hoạt động của DNNN

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.