Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản chặt, không nên cấm!

Hà Phạm| 28/11/2014 06:48

(HNM) - Loại hình taxi Uber chỉ xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh vài tháng nay, nhưng đang gây nhiều tranh cãi. Nhiều người đi taxi Uber cho rằng loại hình này tương đối thuận lợi, giá cả phù hợp, còn giới kinh doanh và tài xế taxi truyền thống phản đối kịch liệt. Trong khi đó, cơ quan chức năng vẫn lúng túng trong


"Nồi cơm" của taxi truyền thống đang vơi

Uber là dịch vụ hoạt động trên điện thoại dưới dạng ứng dụng, giúp kết nối người cần di chuyển và tài xế. Dịch vụ này xuất hiện tại 130 thành phố trên thế giới. Những xe tham gia sử dụng Uber không có biển hiệu taxi, không hoạt động tính tiền như những xe taxi khác mà dựa vào thông tin vị trí trên ứng dụng. Người cần di chuyển dùng ứng dụng Uber trên điện thoại để đăng ký hành trình. Hệ thống của Uber sẽ tự động kết nối với một chủ xe và thông tin nhanh chóng chi phí của chuyến đi, thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón. Mô hình doanh thu chung của Uber trên thế giới là chủ xe hưởng 80%, Công ty dịch vụ taxi Uber lấy 20% trên cước phí của mỗi chuyến.

Taxi truyền thống “kêu cứu” vì taxi Uber.



Là người di chuyển thường xuyên bằng taxi, anh Phạm Trường Sơn (ngụ quận 2) cho biết, gần đây do kinh tế khó khăn nên việc anh đi lại quãng đường ngắn vài kilômét đã nhận được thái độ khó chịu của cánh tài xế. "Thế nên tôi chuyển sang đi thử taxi Uber. Đi loại xe này, giá cước rẻ hơn khoảng 20% xe taxi thông thường, quãng đường đi luôn chính xác, không sợ tài xế chạy lòng vòng để lấy thêm giá", anh Sơn chia sẻ. Tuy nhiên, theo anh Sơn, xe không có logo, phù hiệu hay đồng hồ tính cước nên không khác gì xe thuê hợp đồng. Nếu lỡ để quên đồ trên xe thì cũng không biết kêu ai…

Còn theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh, hàng chục nghìn tài xế taxi rất bức xúc bởi họ chịu sự điều chỉnh, kiểm soát khá chặt chẽ, gắt gao của pháp luật và đơn vị sử dụng. Trong khi đó taxi Uber lại không chịu sự gò bó về thời gian và không chịu sự kiểm soát từ các quy định về điều kiện nghề taxi. "Sự phát triển của loại hình taxi Uber đồng nghĩa “nồi cơm” cánh tài xế taxi truyền thống bị xâm phạm. Về lâu dài, tình trạng tài xế taxi thất nghiệp sẽ tăng dần, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội", ông Tạ Long Hỷ bày tỏ quan điểm.

Quản chặt để hoạt động đúng luật

Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, dịch vụ taxi Uber thực chất là loại hình xe hợp đồng vận tải nhưng không được các cơ quan chức năng cấp phép và không có phù hiệu xe chạy hợp đồng theo quy định hiện hành, gây nhiều bức xúc từ phía các đơn vị kinh doanh vận tải và tài xế taxi, ảnh hưởng đến trật tự vận tải trên địa bàn. Vì vậy, Sở GTVT đã đề nghị Bộ GTVT cùng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo làm rõ tính pháp lý của loại hình dịch vụ này; đồng thời kiến nghị Sở Thông tin - Truyền thông TP Hồ Chí Minh xem xét việc kiểm tra cấp phép ứng dụng Uber.

Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), đối với hành vi không đăng ký kinh doanh và thỏa thuận ăn chia (theo tỷ lệ Uber hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%), trong khi lại không phải trích khoản tiền nào để đóng thuế cho Nhà nước, như vậy rõ ràng đã vi phạm về tội trốn thuế theo Điều 161 Bộ luật Hình sự. "Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải xử lý triệt để đối với loại hình kinh doanh này để bảo đảm sự tuân thủ đúng quy định pháp luật, bảo đảm tính công bằng đối với các doanh nghiệp taxi trên toàn quốc", luật sư Nguyễn Thạch Thảo nói.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia, Tiến sĩ Phạm Sanh, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế, các tài xế, doanh nghiệp taxi và hiệp hội vận tải trên thế giới đều phản ứng ít nhiều về loại hình này, nặng nề nhất là tính pháp lý, sau đó là vấn đề an toàn và thuế phí. Đối chiếu với các văn bản pháp luật của nước ta về hoạt động kinh doanh vận tải, dịch vụ Uber rõ ràng là trái luật. "Thế nhưng, với tình hình phát triển giao thông công cộng tại các đô thị hiện nay, tôi nghĩ không nên cấm đoán mà nên nghĩ cách làm sao quản lý chặt chẽ và có các quy định liên quan để hoạt động đúng luật", Tiến sĩ Phạm Sanh nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản chặt, không nên cấm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.