Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu hiệu đình trệ sản xuất và lưu thông

Hương Ly| 29/11/2014 06:48

(HNM) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm 0,27% so với tháng 10. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, CPI cả năm nay sẽ dưới 3% - mức thấp nhất kể từ năm 2001. Tuy nhiên, việc CPI tháng 11 giảm trái với quy luật hằng năm đã khiến nhiều người lo ngại,

Khách hàng lựa chọn mua các sản phẩm bày bán tại Siêu thị Big C. Ảnh: Nhật Nam



Tại các chợ truyền thống và siêu thị trên địa bàn Hà Nội, giá một số mặt hàng giảm mạnh so với đầu tháng 11: thịt bò 240 nghìn đồng/kg (giảm 10 nghìn đồng); giá tôm sú loại nhỡ (khoảng 35-40 con/kg) 270 nghìn đồng/kg (giảm 20 nghìn đồng)… cam sành 20-30 nghìn đồng/kg (giảm 10 nghìn đồng), chai dầu ăn Neptune 5 lít 195 nghìn đồng (giảm gần 10 nghìn đồng); báo cáo kết quả thanh tra giá cước vận tải do Bộ Tài chính vừa công bố cuối tháng 11 cho thấy, các DN vận tải tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã giảm giá từ 2% đến 32% sau khi giá xăng, dầu giảm. Một số DN kinh doanh tuyến xe khách đường dài tại Huế, Đà Nẵng tiếp tục giảm giá cước.

Giá hàng hóa, dịch vụ giảm đã khiến đời sống người dân dễ chịu hơn. Tuy nhiên, việc CPI tháng 11 giảm trái với quy luật đã khiến không ít người lo ngại về "sức khỏe" của nền kinh tế. Bởi trên thực tế, trong 10 năm qua, chỉ có năm 2008 CPI có mức tăng âm vào tháng 11 là 0,76% do kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, giá các mặt hàng vào thời điểm cuối năm giảm mạnh đã khiến CPI giảm sâu.

CPI tháng 11 đã bất ngờ giảm 0,27% so với tháng 10. Nếu so với cùng kỳ năm 2013, CPI tháng này chỉ tăng 2,6%. Đóng góp vào mức tăng trưởng âm của CPI tháng 11, chỉ số giá nhóm hàng giao thông giảm sâu nhất 2,75% so với tháng 10, là mức giảm khá lớn trong những năm gần đây. Nguyên nhân giá giao thông giảm sâu là do giá xăng dầu đã có tới 10 lần giảm giá trong vòng 3 tháng qua. Trong tháng 11, nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, chất đốt cũng giảm tới 0,74%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,03%.

Trước những số liệu về tổng cầu giảm, kế hoạch sản xuất kinh doanh Tết của nhiều DN buộc phải điều chỉnh. Lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết dự kiến sẽ giảm 20-30% so với năm trước. Đại diện Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ súc sản Vissan cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn, sức mua dịp Tết Ất Mùi sẽ giảm, vì vậy các DN phải hết sức thận trọng khi xây dựng kế hoạch trữ hàng Tết. Hiện công ty vẫn còn tồn kho một lượng lớn thực phẩm và nguyên liệu chế biến với tổng trị giá khoảng 400 tỷ đồng. Đại diện một số siêu thị lớn cũng cho biết đã chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết, song lượng không tăng nhiều so với mọi năm.

Như vậy, việc CPI giảm do sức mua yếu đã và đang tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích, những số liệu về CPI 11 tháng qua đã cho thấy dấu hiệu của vấn đề đình trệ sản xuất và lưu thông phân phối. Bởi trong 11 tháng vừa qua, sức mua chỉ tăng 5%, trong khi vào thời điểm thuận lợi của nền kinh tế, sức mua có thể tăng tới 10-12%.

Theo giới chuyên gia, chỉ số giá ở mức thấp đã cho thấy mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong năm nay đã đạt hiệu quả. Cộng đồng DN sẽ có hy vọng về việc lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong thời gian tới. Khi đó, DN sẽ dễ dàng hơn khi tiếp cận với nguồn vốn, một cơ sở rất quan trọng để khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất. Song với số DN giải thể, phá sản vẫn ở mức rất cao, lượng hàng tồn kho của DN lớn và sức mua chưa có dấu hiệu khởi sắc, nguy cơ giảm phát của nền kinh tế là một trong những vấn đề đáng được quan tâm.

Dự báo về chỉ số giá tiêu dùng thời gian tới, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng CPI sẽ tiếp tục ở chiều hướng ổn định. Song vào thời điểm cuối năm, các công ty nhập khẩu chuẩn bị thanh toán những hợp đồng trong năm, nên áp lực tỷ giá vào thời điểm này cần được tính đến để có phương án điều tiết phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu hiệu đình trệ sản xuất và lưu thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.