Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu gạo: Cần thế “chân kiềng”

Nguyễn Lê| 17/12/2014 06:40

(HNM) - Dự kiến trong năm 2014, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn gạo, giảm 10% so với năm 2013 và giảm 1,17 triệu tấn so với năm 2012. Theo các chuyên gia, nguyên nhân sụt giảm cơ bản là gạo Việt Nam không có thương hiệu, chất lượng lại thấp…


Ngành gạo còn bấp bênh

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh), lũy kế xuất khẩu gạo từ đầu năm đến ngày 30-11-2014 đạt 5,843 triệu tấn, trị giá đạt hơn 2,7 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu lớn nhất vẫn là Trung Quốc với 31,1% thị phần, thứ hai là thị trường Philippines chiếm hơn 21,9%, kế đến là Malaysia, Gana và Indonesia. Ước tính, trong năm 2014, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn gạo, giảm 10% so với năm 2013 và giảm 1,17 triệu tấn so với năm 2012. Như vậy, kể từ năm 2012 đến nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tuy tăng về lượng nhưng giảm dần về giá trị.

Cần nâng cao chất lượng gạo Việt Nam để tiếp cận phân khúc thị trường cấp cao.

Theo đánh giá của các chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO), gạo Việt Nam số lượng nhiều, chất lượng thấp, giá thành cao, hình ảnh xuất khẩu thấp, chưa hấp dẫn các nhà nhập khẩu và thu hút đầu tư vào Việt Nam. Theo các chuyên gia, nguyên nhân cơ bản là gạo Việt Nam vừa không có thương hiệu, chất lượng lại thấp, khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là gạo có phẩm cấp thấp (25% tấm) nên khó tiếp cận vào các phân khúc thị trường cấp cao; trong khi đó, phân khúc cấp trung, cấp thấp lại có nhiều quốc gia cùng cạnh tranh, đưa đến giá bán và lợi nhuận giảm.

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phân tích sâu hơn rằng, hiện nay có gần 1,5 triệu hộ nông dân trồng lúa nhỏ lẻ, kỹ thuật sản xuất không cao, dẫn đến phí sản xuất cao, nhưng giá vật tư nông nghiệp và chất lượng lúa - gạo thấp; tổ chức HTX và kinh tế hợp tác nông dân còn yếu. Hiện nay, toàn vùng có 1.562 HTX, chiếm 8,73% so với cả nước, trong đó HTX nông nghiệp chiếm khoảng 740 HTX (khoảng 45%), nhưng chất lượng hoạt động không cao. Do lãnh đạo HTX yếu kém về trình độ, chuyên môn và nghiệp vụ; đa số thành viên tham gia là hộ nghèo, dẫn đến khó khăn trong việc lập kế hoạch sản xuất và kinh doanh; đầu vào và đầu ra trong chuỗi liên kết để thực hiện "4 đúng" (gồm chất lượng đồng nhất; lượng phải đủ khi ký hợp đồng; đúng thời điểm thị trường cần; giá thành sản xuất phải thấp).

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp mua lúa trực tiếp của nông dân, dẫn tới chuỗi giá trị lúa gạo phải qua nhiều khâu trung gian từ đầu vào, thương lái, sấy lúa, xay xát, lao bóng gạo và bán cho doanh nghiệp tiêu thụ. Chiến lược kinh doanh, công nghệ chế biến, khả năng cạnh tranh và xâm nhập thị trường của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Đó là chưa nói tới tình trạng có rất nhiều "cò" như "cò" lúa, "cò" gặt, "cò" sấy… ảnh hưởng đến liên kết nông dân và doanh nghiệp.

Sự sụt giảm giá trị của lúa gạo Việt Nam còn bởi lúa gạo ĐBSCL chưa có thương hiệu như gạo Basmati của Ấn Độ hay Khawdock mali của Thái Lan. Thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, việc tranh mua và tranh bán xảy ra thường xuyên. Vì thế hạt gạo chỉ chạy lòng vòng trong nội địa, làm tăng chi phí trước khi xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước.

Nâng cao chuỗi giá trị

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp, để ngành lúa gạo có sức bật trong thời gian tới trước hết phải nâng cao chất lượng hạt gạo, qua đó định hướng người nông dân canh tác theo chuỗi giá trị, có đầu tư chất xám trên cơ sở quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, từng địa phương. "Cần chấm dứt việc sản xuất tự phát của nông dân, phải theo quy hoạch cụ thể từng nơi. Rồi cũng phải hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cho nông dân. Bên cạnh đó, chúng ta phải liên kết chuỗi giá trị, quy hoạch vùng, tìm thị trường đầu ra, hướng tới sản xuất ra những sản phẩm nông sản phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời quan tâm khâu cơ giới hóa, tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất. Ngoài ra, sản xuất phải gắn với công tác đầu tư xây dựng nhà kho bảo quản, nhà máy chế biến sản phẩm trước khi cung cấp cho thị trường" - GS.TS Võ Tòng Xuân phân tích.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, ngành lúa gạo rất cần thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy vậy, công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm nông sản của nước ta chưa được đầu tư thỏa đáng, từ đó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các sản phẩm có cùng chất lượng của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đối với chuỗi sản xuất trong nước, PGS.TS Nguyễn Văn Sánh cho rằng, cần có sự liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp theo 3 phương thức: Nông dân - nông dân, nông dân - doanh nghiệp và doanh nghiệp - doanh nghiệp, trong đó mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong đầu vào và đầu ra rất quan trọng trong nâng cấp chuỗi giá trị. Bên cạnh mối liên kết này, liên kết vùng và sự tham gia "4 nhà" (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân) nhằm nâng cao chuỗi giá trị trong cánh đồng lớn được quy hoạch và quản lý chặt chẽ. Đây chính là thế "chân kiềng" cần thiết để ngành lúa gạo phát triển nhanh và bền vững.

Việt Nam đã xuất khẩu 5,89 triệu tấn gạo

(HNM) - Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 2 tuần đầu tháng 12, Việt Nam đã xuất được khoảng 47 nghìn tấn gạo với giá trị 21,6 triệu USD, đưa số lượng gạo xuất khẩu của cả nước từ đầu năm đến nay lên 5,89 triệu tấn, thu về 2,72 tỷ USD. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu chỉ được 467,1 USD/tấn, giảm 2,6 USD/tấn so với tháng 11-2014. Trong khi giá gạo xuất khẩu giảm thì giá lúa gạo trong nước ổn định, lúa khô loại thường đang được thương lái thu mua với giá 5.500 - 5.600 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.650 - 5.800 đồng/kg; gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm đang bán với giá 7.200 - 7.250 đồng/kg...


Ngọc Quỳnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu gạo: Cần thế “chân kiềng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.