Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã đến lúc “trải thảm” đón nhà đầu tư ngoại

Đức Anh| 23/12/2014 06:56

(HNM) - Một trong những biện pháp của tái cơ cấu tổ chức tín dụng chính là mua bán, sáp nhập với nhà đầu tư ngoại.



Một trong những biện pháp của tái cơ cấu chính là mua bán, sáp nhập với nhà đầu tư ngoại. Để hỗ trợ các nhà đầu tư ngoại trong việc hợp tác với TCTD trong nước, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 38/2014/TT-NHNN quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1-2-2015…

Ngay từ đầu năm 2014, nhằm tạo điều kiện cho việc mua bán sáp nhập ngân hàng bằng vốn ngoại, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam, nhưng kể từ đó đến nay chưa có thương vụ nào diễn ra ngoài thông tin Ngân hàng GPBank bán 100% cổ phần cho Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore.

Trên thực tế, hiện nay nhiều TCTD trong nước đang rất "khát" vốn ngoại, bởi các ngân hàng trong nước không còn "đủ lực" hoặc không muốn gánh thêm những ngân hàng bị coi là yếu kém. Chẳng hạn như tại Ngân hàng TMCP Xây dựng, sau hàng loạt những sai phạm, nếu không có nguồn lực về tài chính mới sẽ rất khó "đỡ" được ngân hàng này. Để có thể tồn tại, ngân hàng này sẽ phải chấp nhận để bị mua lại hoặc sáp nhập với ngân hàng khác. Hay như tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), mấy năm gần đây, hoạt động kinh doanh đi xuống, trong quý III-2014, ngân hàng này báo lỗ trước thuế 66 tỷ đồng và sau thuế lỗ 76 tỷ đồng. Lợi nhuận của ngân hàng này cũng giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2013. Hơn lúc nào hết, DongABank cần đến nguồn vốn ngoại để tiếp sức cho nền tài chính đang yếu. Hay những ngân hàng khác như HDBank, Sacombank… cũng đang "mỏi mắt" tìm cổ đông chiến lược để có thêm sự hỗ trợ về tài chính, cũng như năng lực quản lý, từ đó đưa ngân hàng lên vị thế cao hơn, song cho đến nay vẫn chưa có ngân hàng nào công bố đã tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài.

Tại sao nhà đầu tư ngoại chưa mặn mà với ngành ngân hàng?

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc bán cổ phần ngân hàng không khác gì việc tìm "chàng rể" cho con gái. Để có "tấm chồng" tốt, "cô gái" đó cần phải có nhiều ưu điểm. Ngân hàng cũng vậy, để bán được cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, ngoài việc sửa sang lại "hình ảnh", cần xây dựng những quan điểm chung về phát triển ngân hàng với nhà đầu tư ngoại. Ngoài ra, để thương vụ bán cổ phần thành công còn phụ thuộc vào những yếu tố khác, trong đó có vấn đề nội tại của ngành ngân hàng.

Lãnh đạo của một ngân hàng thương mại ở Hà Nội cũng thừa nhận, khối ngoại vẫn thờ ơ với việc "đổ tiền" vào ngân hàng trong nước, bởi họ đang quan sát đường đi của cơ quan chức năng, mà quan trọng nhất là mục tiêu giảm số lượng ngân hàng, để hệ thống ngân hàng hoạt động vững chắc hơn. Nếu như cách đây khoảng 7-8 năm, hầu như tập đoàn, tổng công ty nào cũng xin thành lập ngân hàng, vì vào thời điểm đó, ngân hàng cứ mở ra là có lãi, nền kinh tế toàn cầu phát triển mạnh nên bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải "gõ cửa" ngân hàng. Tuy nhiên, sau một thời kỳ phát triển quá nóng, thị trường tài chính - tiền tệ rơi vào tình trạng "cảm lạnh". Bởi vậy, chỉ có những ngân hàng đủ sức khỏe mới có thể chống đỡ để vượt qua trận ốm này và tái cơ cấu hay sáp nhập là điều khó tránh khỏi. Mặc dù được đánh giá là có nhiều tiềm năng, song Việt Nam bị coi là nơi "khó nhằn" trong mắt khối ngoại, vì để có thể thành công, họ sẽ phải mất nhiều thời gian, trong khi số lượng ngân hàng đang có dấu hiệu "thừa".

Một yếu tố khác không hấp dẫn khối ngoại chính là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng, nếu chỉ cho phép nhà đầu tư góp tối đa 30%, họ sẽ chỉ được tham gia vào với hình thức đầu tư tài chính, không được quyết định những việc quan trọng trong ngân hàng. Thực tế, nhiều nhà đầu tư ngoại cũng muốn tiếp cận hay sở hữu cổ phần của ngân hàng trong nước, nhưng tỷ lệ cổ phần mà họ mong muốn có được chưa đúng với kỳ vọng, nên họ cần những quy định cụ thể hơn để có thể hiện thực hóa việc này. Không thể "ngồi nhìn" dòng vốn ngoại chạy sang các nước láng giềng, NHNN đã phát đi "thông điệp" mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài với việc ban hành Thông tư số 38, nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hay mua bán sáp nhập đối với ngân hàng yếu kém trong tương lai. Đã đến lúc "trải thảm" đón khối ngoại vào các TCTD, để các TCTD hoạt động bền vững hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đã đến lúc “trải thảm” đón nhà đầu tư ngoại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.