Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức mua Tết Ất Mùi khó tăng cao

Minh Bắc| 29/12/2014 11:01

(HNMO) - Bước vào năm 2015 với chỉ số CPI tháng 12 đã giảm 0,24% so với tháng trước. Đây là một báo hiệu khá lạ bởi Tết Ất Mùi (2015) đã cận kề.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy chỉ số CPI tháng 12 năm 2014 giảm 0,24% so với tháng trước, là tháng có mức CPI giảm trong 10 năm gần đây. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính thì nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,99%; giao thông giảm 3,09%. Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ giữ mức giá tương đối ổn định với mức tăng không đáng kể: Hàng ăn, thuốc chữa bệnh, dịch vụ y tế, giáo dục tăng 0,03%... có tăng nhẹ. Các chuyên gia kinh tế cho rằng CPI tháng 12 giảm là do giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh giảm, tác động làm chỉ số chung của CPI giảm…

Thực tế trên thị trường hiện nay cho thấy dù CPI giảm nhưng sức mua vẫn không tăng dù dịp Tết dương lịch được nghỉ 4 ngày cũng là điều kiện để kích cầu tiêu dùng. Nhìn chung các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày sức mua vẫn đều đặn. Các mặt hàng quàn áo, giày dép, kể cả hàng hiệu nhân dịp lễ Noel đều giảm giá nhưng sức mua vẫn không tăng mấy. Nguồn tin từ Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết trong 10 tháng đầu năm 2014, sức mua của toàn thành phố mới tăng chỉ bằng một nửa so với cả năm trước.

Vậy triển vọng sức mua cũng như giá cả các mặt hàng sắp tới trong dịp Tết Ất Mùi (năm 2015) sẽ như thế nào? Đại diện Sở Công thương Hà Nội cũng đã đưa ra dự báo về sức mua cuối năm với mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Ất Mùi 2015 sẽ tăng khoảng 20-25% so với các tháng khác trong năm. Sở Công Thương Tp.HCM cũng dự báo, sức mua sẽ tăng nhẹ vào những ngày cận Tết, lượng hàng hóa tiêu thụ tại thành phố sẽ tăng 20% so với các tháng khác trong năm và so với Tết Giáp Ngọ 2014. Sự gia tăng đột biến nếu có thì chỉ trong thời gian ngắn vào những ngày cận Tết. Cụ thể là sức mua trong 10 ngày trước Tết Nguyên đán có thể tăng hơn 50%, một tháng trước Tết là 20%, còn sớm hơn nữa thì chỉ tăng ở mức trên dưới 10%. Thực tế, tùy vào từng ngành hàng và sức hút của mỗi mặt hàng, mức tăng trưởng sẽ khác nhau, nhưng thông thường tiêu thụ mùa Tết tập trung vào các ngành hàng: bia, nước giải khát, bánh kẹo, thực phẩm, nhu yếu phẩm...

Một vấn đề nữa cũng sẽ tác động đến sức mua cũng như giá cả các mặt hàng trong dịp Tết đó là tình hình chuẩn bị của các doanh nghiệp. Thông thường, tháng 12-2014 là thời điểm làm ăn khá sôi động trong năm nhưng theo báo cáo của Tổng cục thống kê, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của cả nước chỉ đạt 7.052 doanh nghiệp, giảm 9,2% so với tháng trước. Có 7944 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động, tăng 30,2%. Điều đó nói lên rằng hoạt động của các doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp đã cố gắng chuẩn bị nguyên vật liệu sản xuất phục vụ cho nhu cầu Tết nhưng giá cả nguyên vật liệu liên tục biến động (phụ thuộc vào giá dầu thô) cũng làm cho doanh nghiệp mất thế chủ động.

Tuy nhiên, với chính sách hỗ trợ bình ổn giá của Chính phủ cũng như của các địa phương cho các doanh nghiệp, thí dụ như hỗ trợ lãi suất thì khả năng các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, gà, trứng, các loại rau củ sẽ rất khó tăng thậm chí có thể giảm so với hiện nay. Cụ thể, các DN bình ổn đang có kế hoạch phát triển thêm gần 300 điểm bán hàng mới, thu nhận thêm nhu cầu từ các quận, huyện, khu chế xuất – khu công nghiệp để đưa ra những sản phẩm mới với giá cả phù hợp. Các DN đã chịu khó bỏ công nghiên cứu thị hiếu và giá cả thị trường hơn so với những năm trước; chấp nhận sẽ phải giảm lãi, các DN cũng đang tăng cường liên kết với các siêu thị để đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng trong các chuyến hàng lưu động…

Theo tin của Sở Công thương thành phố Hà Nội, chỉ để phục vụ mùa Tết, lượng hàng hóa chuẩn bị của các DN tăng từ 10% đến 30% so năm trước. Để kích cầu sức mua và hỗ trợ DN, thành phố chủ trương không tăng giá bán các mặt hàng bình ổn trong hai tháng trước và sau Tết Ất Mùi 2015.

Do nền kinh tế của Việt Nam chịu áp lực từ những bất ổn về kinh tế và chính trị của thị trường thế giới cùng với những khó khăn từ những năm trước chưa được giải quyết triệt để nên vẫn gặp nhiều khó khăn. Cũng dịp này Chính phủ cũng đã thực hiện nhiều biện pháp phù hợp để tăng tổng cầu và hỗ trợ phát triển thị trường. Hy vọng các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận tiện để hàng Việt Nam tiếp tục cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường nhất là trong dịp tết âm lịch này, tạo đà cho bước phát triển mới cho các doanh nghiệp khi tiến vào năm 2015...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sức mua Tết Ất Mùi khó tăng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.