Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cơ cấu các doanh nghiệp ngành GTVT: Tạo động lực mới

Tuấn Lương| 12/01/2015 06:53

(HNM) - Công cuộc tái cơ cấu, cổ phần hóa đã mang lại luồng sinh khí mới cho các doanh nghiệp ngành giao thông vận tải.


Doanh nghiệp xây lắp: Tự tin hơn trong "sân chơi" mới

Trong số các DN xây lắp đã tái cơ cấu, chuyển mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, phát triển mạnh nhất phải kể đến các Tổng Công ty Cienco 1, Cienco 4… Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Tổng Giám đốc Cienco 1, trước đây Cienco 1 bị bó hẹp thị trường bởi chỉ được tham gia đấu thầu xây dựng các công trình sử dụng nguồn vốn nhà nước hay một số dự án của JICA. Sau khi thoái 100% vốn và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Cienco 1 được tham gia đấu thầu xây dựng các dự án sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)... từ đó có thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, sau các phiên đấu giá thành công, Cienco 1 đã thu về gần 250 tỷ đồng dùng làm nguồn vốn đầu tư cho các dự án mới, mua sắm máy móc thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. So với năm 2013, doanh thu năm 2014 của Cienco 1 đã tăng thêm 500 tỷ đồng (tăng 7,3%). Giống như Cienco 1, việc thoái 100% vốn nhà nước và quá trình tái cơ cấu mạnh đã giúp Cienco 4 có cơ hội mở rộng thị trường, tiếp cận với những dự án cao tốc lớn sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài. Trước đây, khi còn theo mô hình cũ (công ty 100% vốn nhà nước), do những quy định chặt chẽ của nhà tài trợ nên DN không thể tiếp cận với các dự án lớn như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Nội Bài - Lào Cai... do những dự án này sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng nước ngoài. Hiệu quả từ CPH đối với Cienco 4 được thể hiện rất rõ khi doanh thu năm 2014 đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2013, thu nhập của người lao động đạt mức 10 triệu đồng/người/tháng, tăng 20% so với năm 2013. Ngoài Cienco 1, Cienco 4, các đơn vị khác như Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, Cienco 5, Cienco 8… sau khi chuyển đổi mô hình đều đã nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức, tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các chỉ số về doanh thu, sản lượng, lương thưởng đều tăng trưởng so với năm trước. Vốn chủ sở hữu của các DN này đã tăng hơn 17%. Bên cạnh đó, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giảm hơn 18%. Doanh thu trung bình tăng hơn 10%. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế tăng kỷ lục, lên tới hơn 43%. Thu nhập bình quân người lao động tăng 13% so với trước khi CPH.

Doanh nghiệp vận tải: Những thay đổi đột phá

Một thời gian rất dài, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) luôn bị nhìn nhận với hình ảnh trì trệ, lạc hậu. Trong khi đó, sức ép cạnh tranh từ đường bộ, đường thủy, đường không ngày càng mạnh. Đã có lúc, dường như VNR đã phải trải qua cuộc "đại phẫu". Nhưng, chỉ qua một năm quyết liệt tái cơ cấu, bộ mặt đường sắt đã có những nét tươi mới, được xã hội ghi nhận. Đại diện Tổng Công ty VNR cho biết, để gia tăng sức cạnh tranh, VNR đã thực hiện các chính sách giảm giá vé hành khách, giá cước vận tải hàng linh hoạt để thích ứng với tình hình mới; đồng thời nắm bắt cơ hội từ việc kiểm soát tải trọng trên đường bộ khiến lượng hàng một số tuyến tăng trưởng đột biến, nhất là tuyến Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng phục vụ trên tàu, dưới ga, tạo thuận lợi hơn trong mua vé tàu, liên kết với ngân hàng và bưu điện để triển khai hoạt động thu hộ tạo thuận lợi hơn cho hành khách. Nhờ đó, năm 2014 sản lượng vận tải của VNR đã tăng so với năm 2013. Doanh thu vận tải hành khách đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng hơn 2,7%, doanh thu hàng hóa đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 26%. Thu nhập bình quân của người lao động thuộc VNR trong năm qua đã tăng hơn 7,4%, ở mức bình quân khoảng 6,6 triệu đồng/tháng.

Điểm sáng nhất trong bức tranh tái cơ cấu, CPH các DN ngành GTVT có lẽ phải kể đến Vietnam Airlines. Năm 2014, trong bối cảnh hàng không thế giới đối mặt với rất nhiều khó khăn do khủng hoảng chính trị ở nhiều khu vực, tai nạn hàng không liên tiếp xảy ra ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý khách hàng, nhưng Vietnam Airlines đã thực hiện được hơn 118.000 chuyến bay an toàn với chất lượng dịch vụ ổn định, tăng 3,8% so với năm 2013; vận chuyển ước đạt hơn 15,75 triệu hành khách, tăng gần 7% so với năm 2013. Hệ số sử dụng ghế trên toàn mạng vẫn đạt xấp xỉ 80%, tăng 0,5% so với năm 2013. Tổng doanh thu đạt gần 72.000 tỷ đồng, bằng 102% so với năm 2013, nộp ngân sách nhà nước đạt 2.936 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 647 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2013. Tiếp tục lộ trình tái cơ cấu, trong năm 2015, Vietnam Airlines tiếp tục đầu tư mạnh và mang tính đột phá về đội máy bay và chất lượng dịch vụ nhằm trở thành hãng hàng không đầu tiên của Châu Á đưa vào khai thác đồng thời 2 loại máy bay thế hệ mới nhất Boeing 787-9 và Airbus A350-900 hiện đại, tiện nghi với nhiều tính năng vượt trội; tiếp tục mở rộng và hoàn thiện mạng đường bay quốc tế, nội địa; nâng cấp tổng thể chất lượng dịch vụ mặt đất và trên không theo tiêu chuẩn quốc tế, đạt mức 4 sao…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu các doanh nghiệp ngành GTVT: Tạo động lực mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.