Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu gạo 2015: Cánh cửa vẫn mở

Tiến Thành| 21/01/2015 06:49

(HNM) - Theo Hiệp hội Xuất khẩu gạo Việt Nam (VFA) năm 2014, Việt Nam xuất khẩu hơn 6,3 triệu tấn gạo, giảm 5,47% so với 2013.


Trung Quốc khép đường tiểu ngạch

Năm 2014, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 2,1 triệu tấn gạo, chiếm hơn 33% tổng lượng xuất khẩu, chưa kể lượng gạo đi đường tiểu ngạch qua biên giới không đăng ký. Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu nhiều gạo Việt Nam nhất trong ba năm qua.

Dự báo 2015 xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ gặp khó khăn.


Năm 2015, dự báo của VFA, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới khi nước này nâng con số nhập khẩu lên 4 triệu tấn, tăng hơn 300.000 tấn so với trước. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu chính ngạch từ nhiều nguồn cung cấp. Cụ thể nước này đã ký thỏa thuận mua 2 triệu tấn gạo của Thái Lan đổi lấy chương trình xây dựng hệ thống đường sắt từ Đông Bắc đến cảng phía Nam của Thái Lan. Bên cạnh đó, nước này sẽ siết chặt việc nhập khẩu qua đường tiểu ngạch chủ yếu từ Việt Nam. Vì vậy, xuất khẩu gạo Việt Nam được dự báo sẽ giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc trong năm 2015.

Không chỉ riêng thị trường Trung Quốc, Châu Phi là một thị trường lớn của Việt Nam. Tuy nhiên năm 2014, gạo Việt Nam mất thị phần đến 60% tại khu vực này do vấp phải sự cạnh tranh của gạo Thái Lan và Ấn Độ, nhất là gạo tồn kho giá rẻ của Thái Lan. Năm 2015 khả năng Thái Lan sẽ tìm mọi cách giữ vị trí thống lĩnh thị trường này nên Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, theo VFA, bạn hàng truyền thống của gạo Việt Nam là Cuba cũng sẽ biến động trong thời gian tới. Hiện các nhà xuất khẩu gạo của Mỹ đang tích cực chuẩn bị để xâm nhập thị trường này sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ.

Trước những khó khăn trên, VFA dự kiến xuất khẩu gạo quý I-2015 chỉ đạt khoảng 900 nghìn tấn, thấp nhất trong nhiều năm qua do số lượng hợp đồng đã ký năm 2014 chuyển sang rất ít, trong khi khả năng ký tiếp các hợp đồng vẫn chưa rõ nét.

Còn nhiều lối mở

Tuy thị trường gạo khó lường, nguyên nhân chủ yếu đến từ Trung Quốc nhưng không phải không có những "ánh sáng" cho xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2015. Cụ thể, theo các chuyên gia, tuy gặp sự cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Mỹ tại Cuba nhưng xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn có khả năng xâm nhập ngay chính tại thị trường Mỹ khi Hiệp định TPP được ký kết, mở rộng các điều kiện xuất nhập khẩu của cả hai bên.

Tại thị trường Châu Phi và Đông Nam Á, xuất khẩu gạo Việt Nam tuy có phần yếu thế hơn so với Thái Lan và Ấn Độ nhưng vẫn có thể cạnh tranh được do có lợi thế là thị trường gần và truyền thống (đối với thị trường Đông Nam Á) và gạo mới vụ đông xuân vẫn có thể cạnh tranh được với gạo Thái Lan nếu có mức giá tương đương (đối với thị trường Châu Phi).

Hơn nữa, trong năm 2015 tới, các đối thủ cạnh tranh với gạo Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều vấn đề. Thái Lan được dự báo là sản xuất lúa vụ hai giảm 30-40% do thiếu nước và lượng gạo tồn kho đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ khoảng 10%, còn lại 70% là gạo kém chất lượng và 20% hư hỏng, mất mát, trên tổng số khoảng 17 triệu tấn. Các thị trường Châu Á không mua gạo cũ, nên chỉ có thể bán tại thị trường Châu Phi, nhưng cũng không nhiều.

Còn tại Ấn Độ, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, do hạn hán nên sản lượng gạo Ấn Độ niên vụ 2014-2015 chỉ khoảng 102 triệu tấn, giảm 4% so với năm 2013-2014. Từ đó, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) dự báo, lượng gạo xuất khẩu của nước này có thể giảm đến 20% xuống còn 8 triệu tấn trong năm 2015, so với 10 triệu tấn năm trước.

Với những điểm sáng đó, VFA cho rằng, năm 2015 này cần phải có giải pháp về giá và chất lượng để cạnh tranh với Thái Lan và Ấn Độ nhằm khôi phục thị phần tại thị trường Châu Phi. Với thị trường Đông Nam Á, do lợi thế về địa lý, cần có biện pháp thích hợp để tăng tối đa thị phần ở khu vực này, bù lại khả năng sút giảm nơi khác; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, nhất là đối với những thị trường khó tính nhưng có khả năng cạnh tranh và thâm nhập; chuẩn bị điều kiện mở rộng thị trường gạo với Mỹ, Nhật, Mexico, Chile sau khi kết thúc Hiệp định xuyên Thái Bình Dương; vận động đàm phán thiết lập quan hệ thương mại gạo chính thức với Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu gạo vào thị trường này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu gạo 2015: Cánh cửa vẫn mở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.