Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền lợi người tiêu dùng bị bỏ rơi

Hương Ly| 23/01/2015 05:52

(HNM) - Sự phớt lờ của một số DN sau khi giá xăng giảm mạnh cho thấy, nếu không có sự can thiệp kịp thời của cơ quan quản lý, phần thiệt thòi tiếp tục nghiêng về phía người tiêu dùng.



Tuy nhiên, sau khi giá xăng đã giảm gần 40%, việc giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có điều chỉnh giảm phù hợp hay không lại phụ thuộc phần lớn vào ý thức của các DN kinh doanh và sự giám sát chặt chẽ của ngành chức năng. Sự phớt lờ của một số DN sau khi giá xăng giảm mạnh cho thấy, nếu không có sự can thiệp kịp thời của cơ quan quản lý, phần thiệt thòi tiếp tục nghiêng về phía người tiêu dùng (NTD).

Khách mua xăng tại cửa hàng xăng dầu số 23 Xa La (Hà Đông). Ảnh: Linh Ngọc


Ngày 21-1, giá xăng, dầu đã giảm mạnh từ 1.460 đồng đến 1.900 đồng/lít (tùy chủng loại). Trước đó, theo thông tin từ Bộ Công thương, giá xăng chỉ giảm 1.444 đồng/lít, dầu diesel giảm 982 đồng/lít và dầu hỏa giảm 1.010 đồng/lít. Tuy nhiên, ngay sau đó Bộ Tài chính đã quyết định thu hồi Thông tư 06 điều chỉnh biểu thuế nhập khẩu xăng dầu về việc tăng kịch trần thuế suất thuế nhập khẩu với xăng dầu. Với việc hoãn tăng thuế, giá xăng dầu có điều kiện giảm sâu hơn, giúp chi phí dành cho xăng, dầu của người dân, DN tiếp tục giảm mạnh.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, phương án ban đầu được đưa ra là nâng mức thuế nhập khẩu xăng dầu lên kịch trần trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh. Nhưng sau khi cân nhắc, Bộ nhận thấy cần đặt mục tiêu bảo đảm quyền lợi của NTD nên đã quyết định giữ nguyên thuế suất thuế nhập khẩu. Nhưng câu hỏi được đặt ra là, bao giờ một mặt bằng giá mới hợp lý hơn sẽ được thiết lập sau khi giá xăng đã qua 17 lần điều chỉnh tính từ tháng 7-2014 với mức giảm xấp xỉ 40%?

Thông tin xăng giảm giá mạnh xuống mức chưa đến 16.000 đồng/lít có thể coi là một tin vui với số đông NTD. Nguyễn Linh Anh, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội cho biết, trước thời điểm xăng giảm giá, mỗi tháng chi phí tiền xăng cho chiếc xe tay ga dùng để đi học lên tới 1,1 triệu đồng. Sau khi xăng giảm giá, số tiền này mỗi tháng chỉ khoảng 800.000-900.000 đồng, góp phần khiến các khoản chi tiêu trong tháng dễ chịu hơn.

Tuy nhiên, bác Nguyễn Thị Hảo, một người dân tại quận Hoàn Kiếm thẳng thắn cho rằng, sau khi xăng giảm giá gần 40%, giá thịt, cá, rau, củ quả vẫn giữ nguyên, hoặc giảm không đáng kể; giá cước taxi cũng điều chỉnh giảm rất ít. Sự phớt lờ của các DN sản xuất đầu mối kinh doanh đã khiến phần thiệt thòi vẫn nghiêng về phía người dân. Thực tế này cho thấy, khi DN cố tình "im lặng", cơ quan quản lý phải lên tiếng và có biện pháp can thiệp cứng rắn thì mới giảm được giá thành xuống mức hợp lý hơn.

Để kiểm soát giá cả thị trường, bảo đảm giữ ổn định giá trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ngày 19-1, Đoàn kiểm tra giá của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã khởi động đợt kiểm tra công tác quản lý giá trên toàn quốc. Đại diện Cục Quản lý giá cho biết, đã tổ chức 3 đoàn công tác nhằm kiểm tra, nắm tình hình quản lý giá tại địa phương ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Các đoàn kiểm tra sẽ làm việc với Sở Tài chính địa phương từ ngày 19-1 đến 3-2. Trong đó, sẽ kiểm tra tình hình thực hiện công tác quản lý giá tại địa phương trong năm 2014. Đoàn cũng sẽ kiểm tra việc triển khai công tác bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi; tập trung vào các biện pháp điều hành, kiểm soát và bình ổn thị trường giá cả, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, phí tham quan, trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô… Một nội dung trọng tâm được Đoàn kiểm tra chú trọng đợt này là việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, công tác kê khai giá cước vận tải hành khách bằng ô tô. Dư luận đang chờ đợi những biện pháp can thiệp mạnh của cơ quan quản lý giá nhằm thiết lập một mặt bằng giá mới, phù hợp với giá xăng dầu đã giảm sâu hiện nay.

Thời gian qua cho thấy, sau khi các cơ quan truyền thông liên tục lên tiếng về việc giá cước taxi giảm không tương xứng với giá xăng, dầu, nhiều DN kinh doanh taxi đã điều chỉnh giảm giá từ 1% đến 32%. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, qua theo dõi và tổng hợp báo cáo của các địa phương, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô vẫn chưa kê khai giảm cước theo xu hướng giảm giá xăng dầu.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền lợi người tiêu dùng bị bỏ rơi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.